Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng diễn ra trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên thống nhất tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Hai bên cho rằng kim ngạch song phương thời gian qua có phần giảm sút và để cải thiện tình hình, cần nhanh chóng tìm các biện pháp phù hợp, trong đó có việc đẩy nhanh ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu trong nửa đầu năm 2015, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Ngân hàng hai nước tích cực nghiên cứu, đề xuất khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau trong các giao dịch để hỗ trợ thúc đẩy thương mại song phương.
Hai bên khẳng định thúc đẩy triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 như đã thỏa thuận theo phương châm đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất, trong đó tuân thủ đúng các quy định pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng.
Hai bên đánh giá cao quan hệ quốc phòng-an ninh giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và đào tạo quân nhân, khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này.
Hai Thủ tướng đã trao đổi và nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
* Tại Hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho kéo dài Chương trình giai đoạn 2 này đến năm 2020.
Thủ tướng cho rằng việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở vùng ngập lũ luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nên dù giai đoạn 2 của chương trình đã kết thúc nhưng vẫn còn 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của chương trình chưa xây nhà ở và có phát sinh mới một số việc, trong đó, ở nhiều địa phương phát sinh các điểm sạt lở mới.
Vì thế, Thủ tướng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của chương trình đến năm 2020 để thực hiện tốt phần việc chưa xong; rà soát để xử lý những việc phát sinh, trong đó có đầu tư bổ sung các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo an toàn cho các hộ dân; tiến hành cân đối, bố trí vốn trong trung hạn.
Theo đó, 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168,2 tỷ đồng sẽ được vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ.
Thủ tướng cũng đồng ý cho kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với 25.868 hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo chưa trả được nợ với số tiền trên 226 tỷ đồng; giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu phương án phù hợp hơn để giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân vùng ngập lụt và sạt lở mới phát sinh.
* Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc kết hợp quân dân y trong khám chữa bệnh là chủ trương lớn nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe quân đội và nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây cũng là sự kết hợp độc đáo của nước ta trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác kết hợp quân dân y vùng Tây Bắc giai đoạn 2009-2014, Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần đánh giá toàn diện kết quả đạt được; nêu rõ khó khăn, vướng mắc và hạn chế của quá trình kết hợp quân dân y; cơ chế xã hội hóa nguồn lực tài chính; rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn.
* Nghiêm ngặt trong bảo vệ và đảm bảo 4 mục tiêu trong phát triển rừng: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm và phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại phiên họp thứ VIII của Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm tiếp tục kiên định mục tiêu bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên hơn nữa, không đồng ý với một số ý kiến cho rằng cần xem xét quay lại khai thác có chọn lọc loại rừng có giá trị kinh tế cao này.
Trước các khó khăn được phản ánh trong việc bảo vệ, trồng rừng như mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thấp do chậm được điều chỉnh, Phó Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan sớm xây dựng, trình Chính phủ xem xét 2 vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là vốn và chính sách rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.
* Chủ trì phiên họp chuẩn bị triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Nghị định 16 nâng cao tự chủ và quyền hạn lớn hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) so với những quy định ở các văn bản trước đây của Chính phủ ở 3 lĩnh vực: Tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới không phải vì thiếu tiền chi cho dịch vụ công mà là vì mục đích quan trọng hơn là nhằm nâng số lượng và chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển của xã hội.
Nguyên Linh (tổng hợp)