Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525 kết quả cho thấy nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt.
Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri bằng nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.
Nhìn chung, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri; công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội; công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được tổ chức khoa học, công khai, minh bạch đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Các đoàn ĐBQH đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của các đợt tiếp xúc cử tri, qua đó số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại các địa phương được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức.
Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH từ khi thực hiện Nghị quyết số 525 đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai. Qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, của cử tri và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Nhiều đoàn ĐBQH đã quan tâm đổi mới nội dung tiếp xúc cử tri và triển khai nhiều hình thức tiếp xúc cử tri chất lượng, hiệu quả.
Qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH cơ bản nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri muốn gửi tới các kỳ họp Quốc hội. Nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được các ĐBQH đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời được cử tri cả nước đánh giá rất cao.
Nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cũng đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa thành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong thực tiễn cuộc sống.
Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri. Việc tiếp xúc cử tri một cách hiệu quả, linh hoạt, chất lượng đã có tác dụng hỗ trợ các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật, trong hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Mối quan hệ phối hợp giữa đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan có liên quan tại địa phương cũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Toàn bộ các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đều được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2022, Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và chuyển chính thức 42.455 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo quy định pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều hết sức có trách nhiệm, nỗ lực trong việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của cử tri nêu. Hầu hết kiến nghị của cử tri đều được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và gửi văn bản trả lời tới đoàn ĐBQH nơi cử tri có kiến nghị theo đúng quy định. Nhiều ý kiến, kiến nghị được xem xét, giải quyết kịp thời, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, những kết quả đạt được nêu trên một phần là do Nghị quyết số 525 đã có nhiều quy định đổi mới, khoa học, hiệu quả và hoàn thiện hơn so với trước đây, như: ĐBQH có thể tiếp xúc cử tri ngoài tỉnh, thành phố nơi đại biểu ứng cử; quy định theo hướng phân chia rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết… Việc tổ chức triển khai các quy định về tiếp xúc cử tri ngày càng nền nếp; việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm.
Điều đáng chú ý là với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực, quyết liệt, khẩn trương, chủ động, trách nhiệm, phối hợp nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao... Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua./.
Nguyễn Hoàng