Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều bạn trẻ từng có niềm vui ban đầu khi cầm máy ảnh, chụp những bức hình đẹp và được bạn bè khen ngợi. Nhưng giữa "thích chụp ảnh" và "sống bằng nhiếp ảnh" là một khoảng cách lớn. Chụp ảnh có thể dễ, nhưng làm nghề thì không đơn giản. Đó là lý do vì sao nhiều bạn chọn học nhiếp ảnh qua các khóa ngắn hạn hoặc tự học, nhưng chỉ sau vài năm, chật vật mãi vẫn không bước tiếp được - vì thiếu nền tảng vững chắc.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ, sinh viên được đào tạo cả kỹ thuật lẫn tư duy thị giác
"Không ai nhớ bạn chụp bằng máy gì. Nhưng nếu ảnh của bạn chạm được đến người xem, thì người ta sẽ nhớ" - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Các Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - ĐHQG Hà Nội (SIS), chia sẻ.
Tại SIS, sinh viên không học nhiếp ảnh theo kiểu đơn môn, mà được tiếp cận theo hướng liên ngành - nơi nhiếp ảnh là một phần trong tổng thể truyền thông thị giác và công nghiệp sáng tạo. Chương trình đào tạo tích hợp các môn từ thiết kế đồ họa, sản xuất phim, hậu kỳ số, thực tế ảo (VR), giao diện người dùng (UI/UX) đến ứng dụng AI trong hình ảnh.
Sinh viên vừa học kỹ thuật, vừa được rèn tư duy hình ảnh, năng lực kể chuyện bằng bố cục, ánh sáng, ngôn ngữ thị giác. Các bài tập không đơn thuần là “chụp cho đúng”, mà là “kể được chuyện bằng ảnh” - một yêu cầu đòi hỏi chiều sâu tư duy, cảm xúc và cả khả năng sáng tạo trong môi trường số.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Sinh viên không chỉ học cách chụp, mà học cách nhìn, cách nghĩ và cách kể bằng hình ảnh. Chúng tôi đào tạo người làm nghề có bản sắc cá nhân và khả năng thích nghi cao với môi trường sáng tạo hiện đại”
Không chỉ học cách chụp, sinh viên cần thời gian để rèn tư duy, cảm xúc và bản lĩnh nghề nghiệp - Ảnh: Trường ĐH SKĐA cung cấp
Trong khi đó, tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (SKĐA), ngành Nhiếp ảnh là một trong những ngành được tổ chức đào tạo bài bản từ rất sớm - với chương trình kéo dài 4 năm, chú trọng phát triển cả kỹ năng kỹ thuật, nền tảng lý luận và bản lĩnh nghề nghiệp.
Sinh viên không chỉ học cách sử dụng thiết bị mà còn được đào tạo sâu về bố cục, ánh sáng, cảm xúc thị giác, ngôn ngữ hình ảnh và các thể loại ảnh - từ chân dung, phóng sự, quảng cáo đến ảnh sân khấu, điện ảnh và nghệ thuật đương đại. Các bài tập không đơn thuần là kỹ thuật, mà là những “bài tập tư duy”, giúp sinh viên hình thành quan điểm cá nhân và cách kể chuyện bằng hình ảnh.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi: Chúng tôi đào tạo người kể chuyện bằng ảnh
PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi không đào tạo người chụp ảnh. Chúng tôi đào tạo người kể chuyện bằng ảnh - những người biết ảnh của mình tồn tại vì điều gì”. Ông nói thêm: “Học 4 năm mới cầm máy ra trường là có lý do của nó. Sinh viên cần đủ thời gian để rèn nền tảng tư duy, cảm xúc và bản lĩnh nghề nghiệp chứ không phải chỉ học vài kỹ năng rồi đi làm ngay”.
Trường cũng chú trọng đào tạo gắn với thực hành nghề. Sinh viên được yêu cầu thực hiện đồ án theo từng học kỳ, thực hành qua các buổi tác nghiệp ngoài trời, dàn dựng bối cảnh studio, chụp tại sân khấu, trường quay… Không chỉ học để chụp, các bạn còn được rèn cách quan sát, lên ý tưởng và phát triển chuỗi ảnh mang tính thông điệp. Đây là môi trường hiếm hoi mà sinh viên có thể va chạm liên tục với các tình huống nghề nghiệp thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Môi trường học tập tại SKĐA giúp sinh viên không chỉ nắm kỹ năng, mà còn hình thành tư duy sáng tạo cá nhân - yếu tố quan trọng để tạo dựng con đường nghề nghiệp vững chắc.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở - nếu có nền tảng bài bản
Không chỉ làm báo hay studio, nhiếp ảnh hiện nay là một phần của hệ sinh thái sáng tạo toàn cầu: từ thời trang, truyền thông, quảng cáo, điện ảnh, nội dung số đến game, metaverse và các nền tảng trực tuyến.
SKĐA là nơi đào tạo nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hiện đang mở rộng theo hướng hội nhập quốc tế. Tại SKĐA, bên cạnh việc được đào tạo bài bản, sinh viên được thực hành trên các dự án thật, triển lãm cá nhân, được gửi đi học tập tại các trường đại học lớn ở Mỹ, Úc theo đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường là thành viên chính thức của Hiệp hội các trường điện ảnh - truyền hình thế giới, đây là cơ hội để tạo điều kiện để sinh viên giao lưu quốc tế, mở rộng tư duy sáng tạo.
Khoảnh khắc thời sự nhưng mang cảm xúc như một bức tranh - Ảnh: An Thành Đạt
Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ SKĐA đã trở thành phóng viên ảnh tại các cơ quan báo chí, hãng thông tấn lớn. Một trong số đó là anh An Thành Đạt, phóng viên ảnh kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam, từng là sinh viên khóa 1 khoa Nhiếp ảnh.
Với hơn 25 năm kinh nghiệm làm nghề, anh Đạt khẳng định: "Làm phóng viên ảnh chuyên nghiệp thì cả đào tạo chính quy lẫn tự học đều quan trọng. Nhưng sự khác biệt giữa hai con đường này là rất lớn. Ở Việt Nam, đào tạo nhiếp ảnh chính quy tuy xuất hiện muộn, nhưng khoảng hai chục năm trở lại đây đã có nhiều trường đầu tư nghiêm túc. Và chính môi trường đào tạo bài bản mới giúp người học có được nền tảng vững chắc để theo nghề lâu dài".
Tại SIS, sinh viên không chỉ học lý thuyết trong lớp mà còn được tham gia trực tiếp vào các dự án thực tế, bao gồm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông thị giác, nội dung số, và thiết kế sáng tạo. Nhiều dự án có sự tham gia của giảng viên, chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… giúp sinh viên được cọ xát với các tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế, làm quen với quy trình làm việc chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng mạng lưới kết nối toàn cầu. Việc học đi đôi với trải nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp sinh viên định hình rõ năng lực bản thân, phát triển phong cách cá nhân và lựa chọn được hướng đi nghề nghiệp phù hợp - từ làm việc trong nước đến theo đuổi cơ hội nghề nghiệp tại các thị trường sáng tạo nước ngoài.
Trong khi nhiều bạn chọn học ngắn hạn rồi chật vật tự bơi, thì học chính quy giúp tiết kiệm thời gian bằng con đường rõ ràng, có người dẫn dắt, có mạng lưới hỗ trợ nghề nghiệp.
Sinh viên được tham gia trực tiếp vào các dự án thực tế - Ảnh: Trường SIS cung cấp
Làm chủ công nghệ nhưng không đánh mất bản sắc nghề nghiệp
Nhiều người lo ngại rằng AI sẽ thay thế nhiếp ảnh gia. Nhưng thực tế, công nghệ chỉ thay được thao tác, không thay được tư duy và cảm xúc. Các trường đào tạo như SIS và SKĐA đều đang đưa công nghệ mới vào chương trình học, từ xử lý hậu kỳ bằng AI, sáng tác trong không gian ảo, đến thiết kế hình ảnh bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo, nhưng điều quan trọng là người học được rèn cách "làm chủ công nghệ", chứ không bị cuốn theo nó.
"AI tạo ra ảnh rất nhanh và rất đẹp. Nhưng ảnh đẹp chưa chắc đã có cảm xúc. Ảnh báo chí, ảnh tài liệu, cái cần nhất là sự chân thực, cảm xúc thật, và rung động thật", phóng viên ảnh An Thành Đạt chia sẻ. "Nếu không có nền tảng, không có bản lĩnh nghề, thì ảnh chỉ còn là thứ để minh họa và như thế, sẽ bị thay thế rất nhanh".
Chính vì vậy, đi học bài bản là cách để người làm nghề giữ được bản sắc cá nhân, xây dựng được tư duy hình ảnh rõ ràng, và biết cách phát triển lâu dài thay vì chạy theo trào lưu ngắn hạn.
AI - công nghệ chỉ thay được thao tác, không thay được tư duy và cảm xúc
Nhiếp ảnh là một ngành học nghiêm túc. Và giống như nhiều ngành khác, muốn đi đường dài, người học cần được rèn từ gốc - cả kỹ thuật, tư duy lẫn cảm xúc. Đó là điều chỉ có thể đạt được trong môi trường đào tạo chính quy, nơi có chương trình bài bản, giảng viên chuyên môn, hệ sinh thái học thuật và kết nối quốc tế.
Một bức ảnh tốt không đến từ may mắn. Nó là kết quả của nền tảng vững chắc, tư duy tử tế và hành trình làm nghề nghiêm túc. Nếu muốn bước vào nghề một cách thật sự, bạn cần chọn khởi đầu đúng - học bài bản, đi đường dài và không đánh đổi tương lai bằng những lối tắt.
Thu Trang