• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO

(Chinphu.vn) – Trên hành trình khẳng định và phát huy giá trị Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hội An sẽ đặt người dân làm trung tâm, động lực sáng tạo bởi chỉ khi có sáng tạo, thành phố mới làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ di sản.

13/02/2024 09:18
Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO- Ảnh 1.

Nghệ nhân trẻ tạo hình rồng tại làng gốm Thanh Hà - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Nghệ nhân trẻ - nguồn lực của thành phố sáng tạo

Hội An không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách gần xa bởi quần thể kiến trúc độc đáo, cổ xưa với vẻ đẹp thơ mộng. Hội An còn là thành phố của sự sáng tạo bởi những người con yêu quê hương luôn chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị bản địa.

Nghệ nhân Lê Ngọc Thuận nổi tiếng tại Hội An với hành trình tái sinh vòng đời, đưa củi lũ (những khúc gỗ vớt từ dòng nước lũ) trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Hàng nghìn tác phẩm của anh trưng bày tại Làng Củi lũ được đông đảo du khách nước ngoài yêu thích.

Từ củi lũ, nghệ nhân Lê Ngọc Thuận đã sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng lịch sử, văn hóa, con người và lan tỏa thông điệp về nghệ thuật tái sinh, bảo vệ môi trường để người dân, du khách đến đây và hiểu được con người, vùng đất nhiều bão lũ, thiên tai nhưng biết vươn lên trong cuộc sống.

Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO- Ảnh 2.

Không gian sáng tạo Làng Củi lũ được du khách nước ngoài yêu thích - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Việc phát triển không gian nghệ thuật này đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động làng mộc truyền thống Kim Bồng. "Tôi ấp ủ kế hoạch xây dựng công viên nghệ thuật tái chế ở bờ sông. Đây sẽ là không gian vui chơi, trải nghiệm, vừa có thể tạo sinh kế cho người dân địa phương bằng một con đường mới, tư duy mới, bằng những sản phẩm vừa mỹ nghệ vừa có tính đương đại và ứng dụng cao", nghệ nhân Lê Ngọc Thuận kỳ vọng.

Cũng là người có nhiều đóng góp trên hành trình sáng tạo, nghệ nhân Võ Văn Tân (xã Cẩm thanh, TP. Hội An) đã phát triển nghề thủ công từ cây tre trên chính quê hương, góp phần đưa sản phẩm nghệ thuật từ tre đến với thế giới.

Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO- Ảnh 3.

Trình diễn hô hát bài chòi tại Hội An - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Võ Tấn Tân, vật liệu quen thuộc bình dị từ nông thôn từ cây tre hiện lên với những sáng tạo mới lạ, thân thiện với môi trường. Nhờ hàng trăm sản phẩm độc đáo, tinh tế và tỉ mỉ từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, xưởng làm tre của anh Tân đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế mỗi khi đến Hội An.

Vừa qua, TP. Hội An ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, có được thành quả ấy là đóng góp không nhỏ từ các làng nghề đã gìn giữ, từ các nghệ nhân tài hoa đang không ngừng sáng tạo, cống hiến những giá trị lớn lao cho thành phố.

"Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là động lực để cộng đồng nghệ sĩ, thợ thủ công, điêu khắc và những người sáng tạo có thêm niềm tin, cảm hứng trong sáng tác. Đây là cơ hội để chúng tôi nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền trong công tác kết nối, quảng bá thương hiệu của mình, mang bản sắc văn hóa Việt Nam sánh tầm với thế giới", nghệ nhân Lê Ngọc Thuận chia sẻ.

Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO- Ảnh 4.

Hội An gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sáng tạo mới làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ di sản

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ, giá trị sáng tạo của thành phố đã có hàng trăm năm, thể hiện ở rất nhiều chiều cạnh, sáng tạo độc đáo của người Hội An.

Trong hơn hai thập kỷ qua, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển; thành phố cũng chú trọng bảo tồn các làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tre dừa nước Cẩm Thanh…

Một số nghề hình thành từ khai thác giá trị văn hóa và thích ứng nhanh với thời đại như nghệ làm lồng đèn, nghề may đo nhanh, chế tác sản phẩm nghệ thuật từ gốc tre… đã tạo ra giá trị độc đáo và riêng ở Hội An, góp phần giải quyết việc làm và tạo ra thu nhập cao cho người lao động.

Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO- Ảnh 5.

Nghệ nhân Hội An sáng tạo sản phẩm từ gốc tre - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chính quyền và người dân Hội An tự hào khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tuy nhiên mục tiêu của Hội An không chỉ dừng lại ở đó, mà qua danh hiệu này mong muốn nhân dân chung tay giữ gìn, phát huy, có trách nhiệm và hành động.

Phương châm sáng tạo của Hội An là ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, trong đó, phải ưu tiên những người yếu thế, những người không có cơ hội tiếp cận đa chiều về tiện ích của xã hội và sáng tạo sẽ trở thành phẩm chất, khát vọng, cảm hứng của mỗi người. Chính tầng lớp tinh hoa có trình độ chuyên môn, những thợ giỏi sẽ đóng vai trò dẫn dắt, định hướng sáng tạo cho các lực lượng khác.

Thời gian tới, Hội An sẽ rà soát những giá trị sáng tạo của thành phố, đặc biệt là thống kê lại các nhóm sáng tạo, nguồn lực sáng tạo, giá trị sáng tạo, sản phẩm sáng tạo… trên cơ sở đó sẽ đưa ra quy hoạch tổng thể cho Thành phố sáng tạo.

Hội An phát huy giá trị danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO- Ảnh 6.

Du khách thưởng lãm các sản phẩm độc đáo tại Phố cổ - Ảnh: VGP/Lưu Hương

"Nếu trước đây, người dân hiểu văn hóa tập trung vào việc chắt lọc, giữ gìn và phát huy giá trị thì bây giờ "Thành phố sáng tạo" sẽ tham dự vào đời sống của người dân, trở thành nguồn lực để hướng đến sự sáng tạo, khởi nghiệp và đổi mới… và chỉ có sáng tạo mới làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ di sản", Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, đại diện phụ trách Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định, việc Hội An là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là minh chứng cho những khát khao của người dân, nghệ nhân và chính quyền thành phố đã gìn giữ, khơi nguồn sáng tạo để từng bước khẳng định, chinh phục danh hiệu này.

"Danh hiệu mang tới những cơ hội lớn và cả những cam kết trách nhiệm quan trọng của thành phố. Sẽ cần tiếp tục các nỗ lực và hành động để thúc đẩy và phát huy nguồn lực thủ công và nghệ thuật dân gian của mình trở thành khung hành động có tính chiến lược và công cụ để Hội An đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tô đậm thương hiệu và danh tiếng quốc tế của Hội An.

Việc Hội An và Đà Lạt gia nhập Thành phố sáng tạo của USNESSCO đã được Bộ VHTT&DL công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao du lịch tiêu biểu năm 2023.

TP. Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da...; 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian; có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

Lưu Hương