Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân- Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và cả nhiệm kỳ.
Cuộc bầu cử đã đạt kết quả tốt đẹp, cả nước có hơn 67 triệu cử tri với tỉ lệ trên 99% đã tham gia bỏ phiếu, bầu được 496 ĐBQH khóa XIV; 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã với cơ cấu, thành phần cơ bản phù hợp như dự kiến.
Tỉ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, trong quá trình bầu cử vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại; có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phải tiến hành bầu thêm; vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách đại biểu…
Báo cáo tổng kết của Hội đồng Bầu cử quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử (22/5/2016). Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai thực hiện.
Thành công của cuộc bầu cử trước hết là do sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước vào quá trình chuẩn bị bầu cử, sự hăng hái đi bầu và trách nhiệm của cử tri trong từng lá phiếu để lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này cũng có hạn chế là chưa bầu đủ 500 ĐBQH như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến; vẫn còn có trường hợp người trúng cử không đủ tư cách ĐBQH nên Hội đồng Bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu…
Một số nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cần bầu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa đạt được như định hướng dự kiến ban đầu, nhất là tỉ lệ nữ, tỉ lệ người ngoài đảng. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất. Một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương chậm được ban hành, thiếu thống nhất; một số biểu mẫu thống kê có sự điều chỉnh bổ sung chậm đã gây khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai, thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tổng kết bầu cử. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tổng kết bầu cử.
Báo cáo nêu rõ cuộc bầu cử đã được tổ chức đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác bầu cử đúng quy định pháp luật; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh. Công tác thông tin, tuyên truyền đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Các cơ quan chức năng đã theo dõi sát, nắm bắt tình hình đưa tin để chỉ đạo, định hướng và chấn chỉnh kịp thời; bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt, an toàn.
Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ; kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự việc bất thường trong quá trình tổ chức bầu cử.
Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nêu một số hạn chế cần khắc phục.
Đó là, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND chưa phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND là cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý.
Một số nội dung văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương còn thiếu thống nhất về một số biểu mẫu, việc lập danh sách cử tri, trang trí và bố trí khu vực bỏ phiếu, phòng bỏ phiếu. Một số thành viên Tổ bầu cử còn chưa nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ, còn để xảy ra vi phạm quy định về bầu cử. Việc chuẩn bị, giới thiệu người ứng cử một số nơi còn chưa tốt, có nơi phải tổ chức bầu lại, bầu thêm mới đủ số lượng theo quy định.
Phát biểu với hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định thành công của cuộc bầu cử một lần nữa cho thấy ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của nhân dân ta, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tổng Bí thư nêu rõ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Trung ương, sự vào cuộc tích cực của Hội đồng Bầu cử quốc gia, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể nhân dân; tinh thần trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử; tinh thần làm chủ và sự ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Đặc biệt, chúng ta đã làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, cơ bản đã giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi Quốc hội và HĐND các cấp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Theo đó, mỗi ĐBQH và đại biểu HĐND cần nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư nhấn mạnh trước mắt chúng ta cần chuẩn bị tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV - một kỳ họp hết sức quan trọng với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 và một số nội dung quan trọng khác.
Lê Sơn