Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đã được phục hồi sau khủng hoảng năm 2008. Hiện nay, tiềm năng hợp tác giữa hai bên rất lớn, từ đầu năm đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Pháp đạt 2 tỷ USD. Pháp đã có 305 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD, xếp thứ 15 trên 93 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với tiềm năng thương mại hai nước, mức đầu tư này còn khiêm tốn. Do vậy, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác, đầu tư, thương mại để đưa kim ngạch thương mại hai chiều ngày càng tăng lên.
Tại phiên họp kín diễn ra chiều 25/11/2010, đại diện hai bên đã cùng nhau trao đổi về những khó khăn mà doanh nghiệp hai nước đang gặp phải, đặc biệt là trong việc tiếp cận thị trường và đầu tư giữa hai nước, đồng thời đã đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu rào cản thương mại, rào cản thuế quan, đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
|
Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Pháp Pierre Lellouche phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal) |
Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Pháp Pierre Lellouche cho rằng, Chính phủ và các doanh nghiệp Pháp rất hài lòng sự về sự thẳng thắn và tình hữu nghị trong quá trình thảo luận trao đổi tại phiên họp. Ông đã nhấn mạnh rằng quan hệ thương mại Việt Nam – Pháp vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, hai bên cần tìm ra biện pháp để vượt qua rào cản thương mại, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư tại Việt Nam.
Quốc vụ khanh đã rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng GDP 7% của Việt Nam. Đặc biệt, con số kim ngạch thương mại song phương với Việt Nam rất đáng khích lệ trong hai năm qua, với tiềm lực tăng trưởng gần 30%. Quốc vụ khanh đánh giá, đây là con số tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hiện nay còn hạn chế, bởi thị phần của Pháp tại Việt Nam mới chỉ đạt 1,2%, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do vậy, hai bên cần thúc đẩy tăng trưởng thương mại mạnh mẽ hơn và ký kết những hợp đồng lớn trong tương lai.
Phiên họp mở rộng của Hội đồng cấp cao Việt Nam - Pháp là một diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi, đánh giá về triển vọng phát triển hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước. Tại phiên họp, ba doanh nghiệp Pháp đã trình bày những tham luận gồm: doanh nghiệp Sanofi-Aventis với chủ đề “Ngành có tiềm năng lớn đối với Việt Nam: Ngành dược phẩm”; doanh nghiệp Air Liquede với chủ đề: “Lợi ích của các dự án công nghệ cao đối với Việt Nam, quan điểm về hợp tác trong quản lý tài nguyên năng lượng và triển vọng hợp tác” và doanh nghiệp Oxindus với chủ đề “ Đầu tư trong lĩnh vực phục hồi chất thải công nghiệp tại Việt Nam”. Về phía doanh nghiệp Việt Nam có Hiệp hội Chè Việt Nam và Công ty may Bắc Giang trình bày tham luận. Các đại diện doanh nghiệp đều cho rằng cần cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu rào cản thương mại, rào cản thuế quan, rào cản về thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng giữa các doanh nghiệp hai bên nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Doanh nghiệp Việt Nam và Pháp đã tích cực trao đổi về những nội dung hợp tác liên quan, trong đó, lĩnh vực hợp tác công - tư cũng đã được hai bên rất quan tâm.
|
Lễ ký Tuyên bố chung. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal) |
Để tạo khuôn khổ tăng cường hợp tác kinh tế hai nước, tạo mối quan hệ phát triển hai bên ngày càng sâu rộng, đại diện hai bên đã ký Tuyên bố chung với sự chứng kiến của các đại biểu và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội đồng cấp cao Việt Nam - Pháp lần này duy trì mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại thông qua hoạt động chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp của hai nước. Hội đồng cấp cao đã được bế mạc với sự đánh giá cao của các bên tham dự, đặc biệt, là các doanh nghiệp của hai nước./.