Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Thưa ông, Hội đồng nhà trường trong các trường đại học trực thuộc ngành y được chuyển giao “quyền lực” từ cơ quan sở hữu như thế nào?
Ông Phạm Văn Tác: Thực hiện theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, đến nay, 11/11 trường đại học trực thuộc Bộ Y tế đã thành lập hội đồng nhà trường. Sau khi được thành lập, hội đồng nhà trường sẽ tự xây dựng quy chế hoạt động, về tài chính, về tổ chức, bổ nhiệm, miễn nhiệm và tự phê duyệt trên cơ sở của pháp luật, sau đó sẽ hoạt động theo quy chế này, mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm hậu kiểm.
Cụ thể, những công việc trước đây do Bộ thực hiện thì giờ ủy quyền toàn bộ cho hội đồng nhà trường, từ công tác quản lý, công tác cán bộ, tài chính đến đào tạo. Duy nhất, có quy hoạch chức danh hội đồng nhà trường thì Bộ mới phê duyệt. Các chức danh khác như hiệu trưởng nhà trường, Giám đốc bệnh viện trực thuộc, các hiệu phó, Phó Giám đốc bệnh viện đều do hội đồng nhà trường quyết định.
Các vấn đề về tuyển sinh, chỉ tiêu trước đây đều thông qua Bộ thì giờ hội đồng nhà trường cũng sẽ tự quyết định, bao gồm cả đầu ra của sinh viên theo năng lực của nhà trường thực hiện theo quy định pháp luật.
Đào tạo ngành y là một ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe của người dân, việc giao “quyền lực” hoàn toàn về chỉ tiêu, chất lượng đầu ra của sinh viên cho nhà trường có đảm bảo không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác: Việc này không phải là thả lỏng đào tạo trong ngành y vì tới đây, Hội đồng y khoa quốc gia do Chính phủ thành lập sẽ tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực cho sinh viên sau khi ra trường. Nếu được cấp chứng chỉ này thì họ mới được hành nghề.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ xây dựng chuẩn năng lực cho từng ngành đào tạo như bác sĩ đa khoa, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…Từ đây, các trường sẽ xây dựng chuẩn đào tạo theo năng lực này để đào tạo sinh viên. Hội đồng y khoa quốc gia cũng sẽ dựa vào đây để xây dựng chuẩn bộ công cụ đánh giá năng lực một cách khách quan nhất. Và sinh viên sau khi ra trường, nếu muốn hành nghề thì phải vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực này.
Ví dụ, bác sĩ ngoại thì phải mổ được 50 kỹ thuật thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề, trượt 1 trong 50 kỹ thuật cũng không được cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không ai có thể can thiệp được vào việc cấp chứng chỉ này, nên không thể gọi là thả lỏng đào tạo bác sĩ.
Vì vậy, việc tuyến sinh của các trường cũng sẽ phải tự điều chỉnh theo hướng đó. Nếu trường nào có nhiều sinh viên được cấp chứng chỉ hành nghề thì sẽ có nhiều sinh viên đăng ký học.
Vấn đề này cũng sẽ đặt ra thách thức đối với các trường là phải đổi mới đào tạo theo chuẩn năng lực thì mới có nhiều sinh viên thi vào.
Việc thành lập hội đồng nhà trường không ảnh hưởng gì tới người học mà thậm chí, hội đồng có thể ban hành các quyết định nhanh hơn vì người học, chất lượng đào tạo cũng tốt hơn. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Vậy, khi hội đồng nhà trường đi vào hoạt động thì người học sẽ được hưởng những quyền lợi như thế nào so với trước khi có hội đồng nhà trường, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác: Khi hội đồng nhà trường hoạt động, họ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự phát triển thực sự của nhà trường, họ phải chọn người giỏi thật sự, làm được việc thực sự, nếu không làm được việc thì có thể thay người ngay được.
Chính vì vậy, việc thành lập hội đồng nhà trường không ảnh hưởng gì tới người học mà thậm chí, hội đồng có thể sẽ ban hành các quyết định nhanh hơn vì người học, chất lượng đào tạo cũng tốt hơn để thu hút sinh viên, các trang thiết bị cũng sẽ được nhà trường đầu tư hiệu quả và chủ động hơn…
Tựu lại, giao quyền cho hội đồng nhà trường, họ sẽ hoạt động chủ động và hiệu quả hơn, linh hoạt và và nhanh chóng hơn, thậm chí về chuyên môn, có những kỹ thuật mới, nhà trường sẽ tự chủ động có phương án cập nhật, tự tổ chức hội đồng và có thể xem xét thực hiện ngay, người dân được hưởng thụ kỹ thuật mới sớm hơn; học sinh được học kỹ thuật mới sớm hơn. Còn trước đây, muốn thực hiện kỹ thuật mới thì phải chờ Bộ xem xét, nhanh cũng phải mất vài tuần.
Ông có nhận định như thế nào về hoạt động của hội đồng nhà trường tại các trường đại học y dược thuộc Bộ Y tế trong thời gia qua? Về phía cơ quan quản lý, ông có cảm thấy bị bớt “quyền lực” không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác: Đến thời điểm này, tôi cho rằng hoạt động của hội đồng nhà trường tại các trường đại học ngành y dược bước đầu rất thuận lợi và hiệu quả, tính ưu việt hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên vì mới hoạt động nên cũng cần phải có thời gian thì mới có đánh giá khách quan.
Trong quá trình hoạt động, chắc chắn sẽ nảy sinh một số khó khăn mới, nhưng chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn.
Về phía cơ quan quản lý, ngoài chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát thì Bộ còn có chức năng hỗ trợ và có thể cùng liên Bộ bàn những chính sách lớn hơn giúp các trường hoạt động hiệu quả nhất.
Nếu người quản lý không thay đổi tư duy thì vẫn có cảm giác hẫng hụt, rằng hình như mình bị mất bớt quyền, nhưng cá nhân tôi thì không cho như vậy. Là quản lý nhà nước thì nên tập trung xây dựng chính sách và tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện theo đúng quy định của nhà nước mới là trọng.
Thậm chí, tôi còn nghĩ là không mất quyền lợi, vì “gái có công, chồng không phụ”, các trường hoạt động tốt, mình hỗ trợ họ thực lòng thì sẽ tạo ra một khối đoàn kết vững mạnh. Mình cũng rất cần họ để xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn nhất nên đó là điều kiện cần và đủ, không thể thiếu bên nào.
Cảm ơn ông!
Thúy Hà (thực hiện)