Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xứng danh di sản thế giới
Đến thời điểm này, hội Gióng là lễ hội duy nhất trong tổng số gần 8.000 lễ hội truyền thống của Việt Nam được đứng trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội được UNESCO đánh giá như là "Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng". Hội Gióng tưởng nhớ công đức vị Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), vị thần từ lâu đã trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện phẩm chất và hành động của người anh hùng chống ngoại xâm, người bảo vệ cho mùa màng, được nhân dân tôn là vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử"… Hơn thế, hội Gióng là một hệ thống diễn xướng mang tính biểu tượng, đầy sáng tạo của dân gian mà không lễ hội nào có được.
GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết: Nét độc đáo của Hội Góng thể hiện ở những điểm sau: Một là: đây là lễ hội có từ lâu đời, tích hợp nhiều lớp văn hóa. Lõi ban đầu của hội Gióng là lễ hội nông nghiệp. Vào tháng Tư, khi mưa xuống người ta bắt đầu một vụ mùa mới, trồng cấy, thu hoạch. Nhiều nghi lễ, nhiều tục trong hội Gióng mang tính phồn thực của một lễ hội nông nghiệp. Từ thời Lý, Trần, hội Gióng bắt đầu thay đổi trở thành một hội sáng tạo ra một biểu tượng tinh thần cố kết chống ngoại xâm. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thánh Gióng trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện những phẩm chất và hành động của người anh hùng làng Gióng chống ngoại xâm, người bảo vệ cho mùa màng, người mang mưa gió thuận hòa đến các làng quê... và Thánh Gióng trở thành một trong 4 vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt Bắc bộ. Hai là, trong Hội Gióng có diễn xướng dân gian, liên quan đến múa hát ải lao, múa hồ... và diễn xướng tiêu biểu nhất là diễn xướng 3 trận đánh giặc Ân bằng ngôn ngữ biểu tượng.
Ba là tính nhân dân của hội Gióng. Hội Gióng có số lượng người tham gia trình diễn rất lớn, vì thế khâu lựa chọn cũng rất kỹ. Người ra cắt cử bình bầu ai là ông hiệu cờ, hiệu trống, ai tham gia quân Gióng, ai tham gia quân giặc Ân. Ông hiệu cờ là biểu tượng của Gióng phải kiêng kị, được chăm sóc kỹ lưỡng hàng tuần trước thời điểm lễ hội diễn ra. Con cháu người đó phải tiêu biểu, tốt thì mới được tham gia, nếu không tốt thì bị loại trừ ngay. Thông qua đó, người ta tạo ra lực đẩy để các gia đình phấn đấu. Họ coi việc tham gia vào diễn xướng là một vinh dự, ở đây tính nhân dân, tính người dân không ai áp đặt.
Hội Gióng diễn ra trong không gian rất rộng. Lễ hội có hai tâm điểm là làng Phù Đổng và Sóc Sơn - nơi Gióng sinh ra và nơi ông bay về trời. Còn những làng khi Gióng đi qua, nơi Gióng nghỉ chân lại để tắm thì trong dịp lễ hội, người ta đều tổ chức hội. Hội Gióng là hội của cả một vùng, tạo nên một quần thể lễ hội.
Cần tiếp túc phát huy giá trị của di sản
Lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao danh nhân hoặc anh hùng dân tộc hóa thành thần thánh trong lòng dân thường diễn ra ở những nơi thờ các vị thánh thần đó. Lễ hội Gióng không phải là ngoại lệ. Vì thế, cùng với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội, các địa phương có hội Gióng còn quan tâm mở rộng không gian cho lễ hội phát triển.
Ông Hoàng Đức Cường, UBND xã Phù Đổng cho biết: Những năm qua, nhà nước và nhân dân trong xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trùng tu đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, chùa Kiến Sơ, miếu Ban, khu hành lễ, đổ nền bãi Soi Bia... Khu di tích này sẽ tiếp tục được đầu tư hơn 40 tỷ đồng để trùng tu giai đoạn 2 cho phù hợp với sự lan tỏa ngày càng sâu rộng của hội Gióng. Nhờ đó, cây cột bằng gỗ lim ở đến Thượng, có từ thời Lý như một biểu tượng của sức mạnh Thánh Gióng đến nay vẫn tồn tại. Tương tự, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng VH-TT huyện Sóc Sơn cho hay: Khu văn hóa tâm linh đền Sóc đã được quy hoạch thành 4 vùng rõ rệt, trong đó có 3 vùng vui chơi, giải trí và một vùng khu "bất khả xâm phạm". Vài năm tới, khu đền Sóc sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của Thủ đô, có thể đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Du lịch phát triển sẽ giúp bạn bè trong nước, quốc tế biết đến hình tượng Thánh Gióng cũng như hội Gióng nhiều hơn.
Đây là hướng đi đúng, song PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam lưu ý: Hội Gióng với tư cách là một loại hàng hóa đặc biệt thì nó phải mang lại lợi ích kinh tế, nhưng vẫn phải quan tâm tới giá trị tinh thần là chính, chứ không phải là lợi nhuận. Phần lõi của nó vẫn là tín ngưỡng, vui chơi, giải trí lành mạnh, còn dịch vụ phụ trợ chỉ là yếu tố để làm thỏa mãn hơn nhu cầu của khách tham quan.
Trong hội thảo quốc tế về "Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại - trường hợp Hội Gióng" cuối tháng 4 vừa qua, GS. Jo Caust, Đại học South Australia khuyến cáo: "Sinh lời không phải là chức năng chính của lễ hội, thay vào đó, nó cần được nhìn nhận như là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần đối với tất cả những người tham dự hay tổ chức trong mối quan hệ gần gũi". Còn GS. David Harrion nói rằng, nước ông,Tây Ban Nha đã sớm đưa một số lễ hội truyền thống ở Fuentarribia vào hệ thống "điểm đến" du lịch nhưng ý tưởng này đã thất bại bởi một số yếu tố văn hóa truyền thống bị biến đổi…
Hội Gióng chứa đựng những khát vọng nhân bản ngàn đời của người Việt Nam như đất nước thái bình, người dân no ấm đã được thế giới biết đến, vinh danh. Đó là niềm tự hào của người dân Thủ đô, song làm thế nào để giá trị của hội Gióng phát huy giá trị ngày càng tốt hơn là trách nhiệm của các nhà quản lý và mỗi người dân.
Từ năm 1893, nhà nghiên cứu người Pháp G.Dumoutier đã ghi: "Hội Gióng còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất mà chúng tôi chứng kiến ở vùng Bắc kỳ. Liệu rằng ở châu Âu già cổ của chúng ta người dân có còn tự hào làm lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử đã diễn ra 2300 năm trước?”. |
Tại phiên họp ngày 16/11/2010, của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003, UNESCO đã ghi danh 46 di sản văn hóa phi vật thể của 29 quốc gia vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên thế giới lên con số 212, trong đó có Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam. Trong 46 di sản được công nhận đợt này có 6 di sản là nghề thủ công truyền thống; 12 di sản là lễ hội; 06 di sản là tri thức dân gian; 20 di sản là nghệ thuật biểu diễn; 03 di sản là ẩm thực dân gian. Trước hội Gióng, Việt Nam đã có 03 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Quan họ. |
Phú Cường