• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hội Luật gia Việt Nam: Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế

(Chinhphu.vn) – Hội Luật gia, Hội Nghề cá và Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và các tàu vào hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam.

09/05/2014 18:00

Tuyên bố ngày 9/5 của Hội Luật gia Việt Nam nêu rõ: Ngày 2/5/2014 Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại toạ độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự.

Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng. 

Khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên.

Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”, nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng là đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông.

Việc Trung Quốc cho rằng đây là “hoạt động tác nghiệp bình thường” và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận.

Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có “sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”. Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Hội Luật gia Việt Nam khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa giới luật gia hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới. 

* Tuyên bố của Hội nghề cá Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ, bao gồm cả tàu có trang bị tên lửa vào hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cản trở và gây hấn với lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam, gây khó khăn trở ngại cho ngư dân Việt Nam khi đi khai thác ở ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam

Tuyên bố nhấn mạnh: Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động ngang ngược, thô bạo của phía Trung Quốc.

Hội Nghề cá yêu cầu Trung Quốc rút ngay và rút hết giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực này vô điều kiện, cùng phía Việt Nam đàm phán xử lý bất đồng, chấm dứt ngay các hành động tương tự.

Hội Nghề cá Việt Nam, ngư dân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam luôn mong muốn duy trì phát triển hòa bình và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

* Cùng ngày (9/5), Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cũng ra tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, cản trở hoạt động làm ăn bình thường của đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam và ngư dân Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối việc làm của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này.

Bên cạnh đó, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kêu gọi đoàn viên các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, tiến hành hoạt động khai thác thủy hải sản, góp phần cùng các lực lượng chức năng của Việt Nam kiên quyết đấu tranh, phản đối hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã gửi thư thăm hỏi các nhân viên kiểm ngư đã dũng cảm, kiên cường bám biển trong những ngày qua, đồng thời tặng 140 triệu đồng cho các tàu kiểm ngư bị thiệt hại, và 2 triệu đồng cho mỗi nhân viên kiểm ngư bị thương.

Bình Minh