Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban, Bộ trưởng và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương; chủ tịch và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về phía Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các đồng chí đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài, đại diện cán bộ chủ chốt của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.
Hội nghị Ngoại giao được tổ chức hai năm một lần với sự tham dự đầy đủ của các cơ quan làm công tác đối ngoại ở trong nước và tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.Hội nghị sẽ đánh giá lại tình hình thế giới, tác động, thách thức đối với đất nước để từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp về mặt đối ngoại nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Đại hội XII đề ra là duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước phát triển, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh VGP |
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, tình hình thế giới và khu vực luôn thay đổi hết sức nhanh chóng và sâu sắc, khó lường, đòi hỏi ngoại giao phải thường xuyên theo dõi sát sao, phản ứng kịp thời, có biện pháp ứng xử phù hợp, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước. Trên cơ sở đó, phải có những biện pháp hữu hiệu nâng cao hơn nữa hiệu quả của các quan hệ, các cơ chế, các khuôn khổ quan hệ với các nước quan trọng trên thế giới, đồng thời mở rộng, tăng cường thêm khuôn khổ quan hệ mới với các nước khác trên cơ sở lợi ích quốc gia.
Thời gian tới, việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn FDI và ODA. Do đó, ngoại giao sẽ phải thay đổi tư duy như thế nào để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc tranh thủ cơ hội và thuận lợi từ hội nhập quốc tế nói chung cũng như các hiệp định thương mại tự do.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam. Vấn đề hiện nay là phải quán triệt nhận thức mới trong toàn bộ các lực lượng làm công tác đối ngoại về việc đưa đối ngoại đa phương trở thành một trong những trụ cột của công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Quan trọng hơn, cần tiếp tục nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và Nhà nước quản lý thống nhất công tác đối ngoại; phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước./.
Hải Minh