Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 14/6, tại thành phố Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị phát triển GD và ĐT vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định: Nam Định là vùng đất "Địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, hiếu học và học giỏi.
Gần 30 năm qua, Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định luôn đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh vào đại học cao, có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc qia, khu vực và quốc tế.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp ngày càng lớn mạnh; đến nay có gần 92% các trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia và trên 80% trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các trường đại học, các học viện trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo và mong rằng trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ phối hợp trong phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo.
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Đây là vùng có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là trung tâm hàng đầu GD và ĐT và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín.
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền công tác phát triển Giáo dục và Đào tạo của vùng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Tính đến nay, toàn vùng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tăng 203 cơ sở so với năm học 2010-2011. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hàng năm và luôn giữ vị trí đứng đầu cả nước. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cả 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT đứng đầu cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THPT và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm của vùng luôn đứng đầu cả nước.
Đặc biệt, năm 2022, toàn vùng có 18 học sinh đạt giải các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế (chiếm 54,5% tổng số thí sinh đạt giải). Quy mô đào tạo đại học và sau đại học tăng dần qua các năm. Toàn vùng hiện có 109 trường đại học, với 72 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuẩn kiểm định quốc tế.
Bình quân hằng năm có hơn 100 nghìn sinh viên và hơn 15 nghìn học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 86,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước).
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về tình hình giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để tiếp tục phát triển giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Thời gian qua, Giáo dục và Đào tạo của vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác Giáo dục và Đào tạo của vùng còn có nhiều vấn đề nổi cộm như: tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu kinh tế, chế xuất còn nhiều bất cập; căng thẳng trong chọn trường, chọn lớp, bệnh thành tích, áp lực thái quá trong học tập.
Để phát triển lên một tầm vóc mới, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục cần có các giải pháp mang tính tổng thể, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục. Đẩy mạnh sắp xếp, quy hoạch hệ thống các trường phổ thông, mạng lưới trường đại học; chuẩn hóa theo hướng quốc tế. Phát huy ưu thế vùng, ưu thế của mỗi địa phương./.