• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc: Những kết quả tài chính khả quan

Những định hướng lớn của G20, bao gồm triển khai Khung khổ Tăng trưởng Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng, Cải cách Quy định Tài chính, và Cải cách các Tổ chức Tài chính Quốc tế là những kết quả khả quan đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc.

15/11/2010 08:18

Hội nghị Thượng dịnh G-20 lần này đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong tiến trình hợp tác của G20. Ảnh: www.seoulsummit.kr
Trong 2 ngày 11-12/11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 dưới sự chủ tọa của Tổng thống Hàn Quốc. Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Tài chính tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối cùng được tổ chức trong năm 2010, đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong tiến trình hợp tác của G20 trong thời gian hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai các mục tiêu quan trọng của G20 đã đặt ra trước đó, đồng thời đưa vào chương trình hoạt động những nội dung mới liên quan nhiều hơn đến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển (EMDCs).
Những kết quả quan trọng đã đạt được
Dấu ấn nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này là việc các nhà Lãnh đạo đã tuyên bố những kết quả quan trọng trong việc triển khai các mục tiêu lớn của G20 trong thời gian qua. Cả 3 định hướng lớn của G20, bao gồm triển khai Khung khổ Tăng trưởng Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng, Cải cách Quy định Tài chính, và Cải cách các Tổ chức Tài chính Quốc tế, đều đã đạt được những tiến bộ ấn tượng.
Khung khổ Tăng trưởng Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng
Quá trình triển khai Khung khổ Tăng trưởng Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đánh giá chung 2 giai đoạn (MAP 1 và MAP 2) với sự chuẩn bị và tiến hành bởi các nước thành viên G20 cùng sự hỗ trợ của IMF, WB và các tổ chức quốc tế khác. Trong quá trình thảo luận trước Hội nghị để thống nhất các hành động chính sách triển khai Khung khổ, đã có nhiều khác biệt về quan điểm giữa các nước thành viên G20 về nội dung chính sách tiền tệ và mất cân bằng toàn cầu. Các đề xuất chính sách về tỷ giá tiền tệ và giải pháp giải quyết mất cần bằng toàn cầu đã trở thành vấn đề nổi cộm nhất, cần rất nhiều thời gian tranh luận và thỏa hiệp giữa các nước có lợi ích khác nhau mà chủ yếu là giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tại Hội nghị lần này, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Chương trình Hành động Seoul, bao gồm tổng hợp các hoạt động chính sách mang tính hợp tác và cụ thể ở cấp quốc gia nhằm tiến gần hơn tới các mục tiêu chia sẻ của G20 trong thời gian tới. Các cam kết chính của Chương trình Hành động bao gồm:
- Cam kết về chính sách vĩ mô, gồm cả củng cố tài khóa khi cần thiết, nhằm đảm bảo tiếp tục phục hồi và tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao sự ổn định của các thị trường tài chính, đặc biệt là hướng tới các hệ thống tỷ giá do thị trường quyết định, phản ánh những nền tảng kinh tế căn bản và loại bỏ việc phá giá đồng tiền nhằm mục đích cạnh tranh. Các nước phát triển, bao gồm cả những nước có đồng tiền được sử dụng trong dự trữ quốc tế, cần cảnh giác với những biến động quá mức và không ổn định của tỷ giá.
- Triển khai một loạt các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy và duy trì cầu toàn cầu, hỗ trợ tạo việc làm và tăng cường tiềm năng tăng trưởng.
- Theo đuổi các chính sách nhằm giảm những mất cân bằng quá mức và duy trì mất cân bằng cán cân vãng lai ở mức độ bền vững.
Cải cách các quy định tài chính
Với việc đưa ra một loạt các quy định mới quan trọng nhằm cải thiện tính an toàn và thận trọng của hệ thống tài chính trong thời gian qua, các mục tiêu lớn trong định hướng về Cải cách Quy định Tài chính về cơ bản đã hoàn thành.
Trong lĩnh vực ngân hàng, hệ thống các quy định thận trọng mới về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng do Ủy ban Basel ban hành trong thời gian qua, thường được nhắc đến dưới tên gọi Tiêu chuẩn Basel III, đánh dấu nỗ lực đáng kể của G20 trong việc phối hợp với Ủy ban Basel thúc đẩy đàm phán và thống nhất (G20 chiếm 20 trong số 27 thành viên của Ủy ban Basel).
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Seoul, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) cũng đã đưa ra khung khổ chính sách, quy trình thực hiện và thời gian biểu thực hiện nhằm giải quyết vấn đề các tổ chức tài chính quy mô lớn ảnh hưởng đến toàn hệ thống (SIFI) và thậm chí ảnh hưởng đến toàn cầu (G-SIFI). FSB cũng đề xuất những giải pháp chính sách nhằm tăng cường mức độ và hiệu quả của hoạt động giám sát tài chính toàn cầu.
Hệ thống các quy định tài chính mới này được kỳ vọng sẽ đem lại sự ổn định và an toàn hơn cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Cải cách các tổ chức tài chính quốc tế
Cải cách IMF là vấn đề tưởng chừng bế tắc trước thềm hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ G20 tại Gyeongju cuối tháng 10 vừa qua, với những bất đồng khó giải quyết được ngay trong nội bộ Nhóm Công tác về Cải cách các tổ chức tài chính quốc tế (IFIs) của G20. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các Bộ trưởng Tài chính, thỏa thuận về cải cách IMF đã được nhất trí ở những phút cuối cùng trước khi đặt trên bàn Hội nghị với kết quả vượt quá các mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, các nước có quyền đại diện quá cao sẽ nhường cho các nước có quyền đại diện quá thấp tới 6% quota thay vì mức 5% như trong mục tiêu đã đề ra; đồng thời các nước Châu Âu sẽ bớt của mình 2 ghế trong Ban Giám đốc IMF để nhường cho các nước EMDCs (trong tổng số 24 ghế của Ban Giám đốc); ngoài ra, các nước cũng đồng ý tăng gấp đôi quy mô quota của IMF nhằm tăng cường năng lực cho tổ chức này.
Với những thỏa thuận này, dự kiến mục tiêu cải cách quota của IMF cơ bản sẽ hoàn thành vào giữa năm 2012.
Những nội dung tài chính mới tại Hội nghị
Hội nghị Thượng đỉnh Seoul là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại châu Á, bên ngoài các nước đã phát triển. Dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Hàn Quốc, Chương trình Hội nghị Thượng đỉnh G20 Seoul đã có thêm những nội dung mới ngoài các chủ đề truyền thống. Phần lớn các nội dung này đều có liên quan đến các vấn đề quan tâm của các nước mới nổi và đang phát triển (EMDCs), bao gồm sáng kiến củng cố Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu (GFSN) và việc mở rộng phạm vi cải cách hệ thống tài chính phản ánh những vấn đề quan tâm của các nước EMDCs.
Mục tiêu củng cố Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu đã được Nhóm Công tác về GFSN nghiên cứu và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên tiến độ đưa ra các lựa chọn chính sách tiếp tục bị chậm lại đến Hội nghị Thượng đỉnh năm 2011. Các nhà Lãnh đạo đã giao các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ, với sự giúp đỡ của IMF, tập trung vào các vấn đề: (i) Cách tiếp cận có hệ thống nhằm đối phó với những cú sốc có ảnh hưởng lớn; (ii) Cách thức cải thiện sự phối hợp giữa các thỏa thuận tài chính khu vực (RFA) và IMF trên tất cả các mặt có thể và cải thiện năng lực của các RFA trong việc đề phòng khủng hoảng, có tính đến hoàn cảnh đặc thù của khu vực và những đặc điểm của từng RFA.
Việc mở rộng phạm vi cải cách hệ thống tài chính lần này đã bao gồm những vấn đề quan tâm của các nước EMDCs. Các vấn đề này bao gồm: quản lý rủi ro ngoại hối của các tổ chức tài chính, các công ty và hộ gia đình; năng lực quy định và giám sát của các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, bao gồm cả các tổ chức tài chính có chi nhánh tại địa phương cũng như các tổ chức nước ngoài có ảnh hưởng hệ thống tại nước sở tại và xây dựng các chương trình bảo hiểm tiền gửi; tiếp cận tài chính toàn diện; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát của nước sở tại và nước đối tác về các tổ chức tài chính đa quốc gia; và tài trợ thương mại.
Tham gia của Bộ Tài chính Việt Nam với tư cách đại diện ASEAN
Trong năm 2010, với tư cách là chủ tịch đương nhiệm của tiến trình hợp tác tài chính ASEAN, Bộ Tài chính đã thay mặt ASEAN tham dự các hội nghị liên quan đến hợp tác tài chính của G20, trong đó đăc biệt quan trọng là tham gia hai Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTƯ tại Busan và Gyeongju, Hàn Quốc và tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 Toronto, canada.
Để chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần này, ngày 5/11, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tại Kyoto, Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN đã nhóm họp không chính thức thảo luận về quan điểm của ASEAN đối với các vấn đề tài chính của G20 trên cơ sở dự thảo tài liệu Quan điểm do Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất. Các Bộ trưởng đã đánh giá cao những ý kiến của Việt Nam nêu trong tài liệu Quan điểm, hoàn toàn nhất trí với dự thảo của Bộ Tài chính Việt Nam, và đề xuất trình tài liệu Quan điểm này lên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để tổng hợp vào quan điểm chung của ASEAN sẽ trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Seoul. Ngay sau đó, đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có mặt tại Seoul từ 7/11 để tham dự phiên họp của các Thứ trưởng Tài chính G20 dự thảo các nội dung tài chính của Tuyên bố Cấp cao G20. Ngày 10/11, đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam do Thứ trưởng Trần Xuân Hà dẫn đầu đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ chính thức tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và tham dự các phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính G20.
Tại phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính G20, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã có bài phát biểu quan trọng phản ánh quan điểm chung của các nước ASEAN đối với các vấn đề tài chính của G20. ASEAN quan ngại về tốc độ phục hồi chậm và không bền vững của kinh tế toàn cầu và mong muốn G20 cam kết mạnh mẽ hơn nữa về mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân đối. Về Khung khổ Phát triển Mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng, ASEAN hoan nghênh Kế hoạch Hành động Seoul, song cần cân nhắc thận trọng việc thiết kế các hành động chính sách nhằm đạt được mục tiêu cân bằng giữa các nước đã phát triển và đang phát triển. ASEAN hoan nghênh nỗ lực của G20 đưa ra Khung khổ Quy định tài chính mới cũng như việc đưa các vấn đề quan tâm của các nước đang phát triển và mới nổi vào chương trình nghị sự của G20, song cần có cơ chế tham gia hợp lý để các bên liên quan có thể tham gia đầy đủ và bình đẳng vào quá trình thảo luận và ra quyết định. ASEAN hoan nghênh những thỏa thuận mới đạt được trong việc cải cách IMF, đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ cải cách để đạt được các mục tiêu theo lộ trình đã đề ra. ASEAN ủng hộ đề xuất về củng cố Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, tuy nhiên cần cân nhắc một cơ chế phù hợp trong việc phối hợp giữa các hệ thống an toàn tài chính khu vực với các thể chế tài chính toàn cầu như IMF nhằm tăng cường hiệu quả và tránh trùng lặp./.
Vụ Hợp tác quốc tế