Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng dự.
Tại hội nghị, nêu rõ các kết quả công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quy định số 110-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng; Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã tham mưu, trình Bộ Chính trị Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng nhiều quy trình quan trọng khác.
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, ông Trần Văn Rón cho hay: Năm 2023, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 57.486 tổ chức đảng và 323.979 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy các địa phương, đơn vị kết luận có 1.769 tổ chức đảng và 6.796 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; đã thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng và 312 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp nhận được 25.401 đơn thư tố cáo, phản ánh tổ chức đảng, đảng viên; đã giải quyết 46 đơn tố cáo tổ chức đảng, 1.297 đơn tố cáo đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã giải quyết 36 tổ chức đảng, 1.034 đảng viên. Qua giải quyết, kết luận có 2 tổ chức đảng và 170 đảng viên phải thi hành kỷ luật, đã thi hành kỷ luật 143 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 7.393 đảng viên; qua kiểm tra, giám sát kết luận 239 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Một số vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra như giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, rõ ràng, kê khai tài sản không đầy đủ thông tin, không thống nhất, không đúng theo mẫu, không đúng hình thức quy định…, để các tổ chức đảng, đảng viên khắc phục, rút kinh nghiệm.
Theo thông tin tại hội nghị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Kết luật số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 và Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, hướng dẫn, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với quy định của Đảng và các điều kiện thực tiễn. Ủy ban tập trung tiếp thu, hoàn thiện quy trình và các quy định để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành. Tổng kết việc thực hiện các quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với một số đảng đoàn, đảng ủy, ban cán sự đảng, trên cơ sở đó ban hành các quy chế phối hợp mới.
Ủy ban Kiểm tra các cấp tích cực tham mưu giúp cấp uỷ xây dựng, triển khai thực hiện chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2024. Đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ủy ban Kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, nội bộ mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín…
theo TTXVN