Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có Phó chủ nhiệm Ủy Ban kinh tế Quốc hội Đặng Thế Vinh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và đại diện Bộ Tài chính. Về phía địa phương, có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch Huỳnh Thế Năng cùng đại diện các Sở, ngành của An Giang và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn đông đảo các doanh nghiệp và hộ nông dân tham gia mô hình.
Thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đã mở ra hướng đi tích cực giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia. Trong số những địa phương đi đầu thực hiện Quyết định 80 có tỉnh An Giang. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quyết định 80 còn có những hạn chế, tồn tại: như tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp; không ít hợp đồng tuy đã được các bên tham gia ký kết nhưng thực hiện chưa nghiêm; trong khi đó chế tài xử lý vi phạm hợp đồng chưa phù hợp; tình trạng tiêu thụ hàng nông sản khó khăn khi giá thị trường xuống thấp hoặc tranh mua, tranh bán khi giá thị trường tăng cao đã xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Vì vậy, tại Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”, đã giao trách nhiệm cho 12 tỉnh xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; trong đó có tỉnh An Giang.
Trong quá trình xây dựng mô hình, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương An Giang đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án (áp dụng đối với mặt hàng lúa và cá tra), trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trong thực tiễn sớm nhất (từ tháng 4 năm 2011) so với các tỉnh khác. Việc tổng kết đánh giá kết quả xây dựng mô hình thí điểm hoàn thành trước thời hạn theo yêu cầu của Bộ Công Thương (30/6/2012).
Việc xây dựng mô hình thí điểm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như:
Đối với mô hình lúa: Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã thực hiện mô hình khi bắt đầu vào vụ sản xuất với các hoạt động chính:
Cử lực lượng cán bộ kỹ thuật đồng ruộng FF (Farmer Friends) trực tiếp xuống đồng cùng canh tác với nông dân;
Cung ứng đầy đủ vật tư nông nghiệp (phân, thuốc bảo vệ thực vật, giống) cho nông dân và mua lại sản phẩm của nông dân
Hướng dẫn nông dân ghi chép lại chi phí sản xuất thông qua sổ nhật ký đồng ruộng
Khi kết thúc vụ, Công ty đã tiêu thụ sản phẩm của nông dân theo các phương thức sau:
Nếu nông dân bán lúa ngay, Công ty thu mua lúa của nông dân theo giá thị trường được niêm yết tại nhà máy và hỗ trợ tiền vận chuyển
Cung cấp bao chứa lúa cho nông dân và sấy lúa miễn phí.
Nếu nông dân không bán ngay, Công ty cho gửi miễn phí tại kho tháng đầu tiên và nông dân chịu tiền vận chuyển.
Mức giá lúa khô công ty thu mua trung bình cao hơn mức giá thương lại thu mua trên thị trường từ 220-400 đồng/kg.
Đối với mô hình cá tra: Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An đã tiến hành cung ứng vật tư thủy sản cho các hộ nuôi cá thịt trong toàn bộ chuối liên kết theo giá gốc tại nhà máy sản xuất. Riêng số tiền chiết khấu cũng đã công bố với hộ nuôi nhưng được giữ lại và sẽ quyết toán với hộ sau mỗi vụ nuôi. Trong 4 tháng đầu vụ, các hộ nuôi mua thức ăn, thuốc bằng tiền mặt; hai tháng cuối hỗ trợ đầu tư nhưng phải có tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản. Công ty sẽ tập hợp lại và gửi ngân hàng đề nghị bảo lãnh hoặc vay vốn,... Cuối vụ thu hoạch, Công ty sẽ bao tiêu mua cao hơn 200 đồng/kg so với giá tại thời điểm trên thị trường.
Ngoài ra, việc xây dựng mô hình này giúp thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân của toàn vùng.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã biểu dương sự cố gắng và những thành tích của Sở Công Thương An Giang cùng các Sở, ban ngành, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong tỉnh đã tích cực xây dựng và triển khai mô hình trong thực tiễn. Đồng thời, để có thể duy trì và nhân rộng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng có một số ý kiến chỉ đạo như sau:
- Trên cơ sở kết quả của Hội nghị tổng kết, Sở Công Thương An Giang cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện mô hình để tiến hành nhân rộng trên địa bàn tỉnh An Giang theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Để có thể duy trì bền vững mô hình chuỗi liên kết nêu trên, Sở Công Thương An Giang cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách, giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể tham gia mô hình theo hướng cụ thể hóa các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn qui định tại Nghị định 61/2010/NDDCP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia…); đồng thời lồng ghép dự án xây dựng mô hình với các Chương trình, dự án khác trên địa bàn để tăng thêm nguồn lực.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những lợi ích lâu dài của việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; về kinh nghiệm của An Giang trong việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết; đồng thời biểu dương những chủ thể tham gia mô hình có nhiều thành tích.
- Sớm hoàn thành qui hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo qui định tại Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các qui hoạch khác có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới kinh doanh ở địa bàn nông thôn.
- Tăng cường công tác chống buôn lậu, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; vi phạm pháp luật về giá, trốn lậu thuế và các hành vi gian lận thương mại khác; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sản xuất, kinh doanh chân chính và lợi ích của người tiêu dùng.