Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 3/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2023 nhằm tổng kết công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; đồng thời thảo luận một số nội dung cần thống nhất để triển khai công tác tuyển sinh trong năm nay.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực. Các cơ sở đào tạo (CSĐT) được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Bộ GD&ĐT đã có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT cho hay, năm 2022 tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020. Trong số 330 CSĐT, có 194 CSĐT (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Theo quy định, năm 2023, CSĐT ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hoá quy chế của Bộ GD&ĐT. Một trong những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2023 là quy định điểm ưu tiên sẽ có hiệu lực từ năm nay.
Theo đó, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Bên cạnh đó, có một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022 đã được bàn thảo tại hội nghị.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp tới hàng triệu học sinh THPT mỗi năm và ít nhất khoảng 5% dân số trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, hằng năm, công tác tuyển sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng, là chủ thể quan tâm của toàn xã hội. Mỗi năm, tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình - chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.
Việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.
Mỗi học sinh, gia đình đều mong muốn đạt sự lựa chọn tốt nhất, sự lựa chọn tối ưu theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện, trong kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch.
Mỗi thầy, cô dạy học THPT đều mong muốn học trò của mình, lớp học của mình có nhiều em đỗ đạt vào các trường tốp trên. Các nhà trường và địa phương đều mong muốn tỉ lệ cao học sinh của mình trúng tuyển vào đại học, cao đẳng.
Mỗi trường đại học đều mong muốn tuyển được nhiều sinh viên giỏi, vào đủ chỉ tiêu các ngành học. Bởi vì khả năng thu hút thí sinh vào học trước hết cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện uy tín, chất lượng của một trường đại học. Nhìn ngược lại, chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng là một yếu tố then chốt tác động tới chất lượng đầu ra của sinh viên và góp phần làm tăng hay giảm uy tín của một trường đại học.
Tuyển sinh tốt sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường. Có được hiệu quả hoạt động tốt, chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học và cho xã hội.
Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, các ngành nghề được sinh viên lựa chọn, sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cùng với phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội, đất nước.
Vì vậy, tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học, mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục đại học.
"Hàng năm, Bộ GD&ĐT phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cùng với văn bản hướng dẫn, điều phối chung của hệ thống. Không những thế, Bộ GD&ĐT rất quan tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Bên cạnh mục tiêu đánh giá việc dạy và học của các trường THPT, để xét quá trình học tập và tốt nghiệp của học sinh phổ thông, kỳ thi còn để các trường đại học, cao đẳng làm căn cứ xét tuyển", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sự tham gia của các sở GD&ĐT, các trường phổ thông trong việc dạy-học, trong việc tổ chức kỳ thi, hướng dẫn học sinh đăng ký xét tuyển các trường đại học, hướng nghiệp vào các trường, các ngành nghề đóng vai trò quan trọng trong sự lựa chọn và cơ hội thành công của các em học sinh.
Các trường đại học xây dựng các phương thức xét tuyển khác nhau. Các trường cũng có thể tổ chức các hình thức thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, thi năng khiếu, xây dựng các tiêu chí xét tuyển, công bố điều kiện, phương thức xét tuyển; đồng thời phối hợp với nhau xét tuyển chung trong hệ thống, nhằm bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học.
Thứ trưởng nhìn nhận, trong tất cả các kỳ thi, tuyển sinh, toàn xã hội quan tâm tới công tác này. Công tác tuyển sinh đã được đổi mới nhiều năm nay, nhất là từ năm 2015, 2016. Qua nhiều năm dần đi vào ổn định như mong muốn của toàn xã hội, đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương.
So với nhiều năm trước, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Qua đó, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh.
"Tuy nhiên, mỗi năm, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những sai sót, bất cập, cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác động rất lớn đến toàn hệ thống", ông Sơn nhìn nhận.
Chính vì vậy, hội nghị hôm nay là cơ hội để các CSĐT thể hiện quan điểm của mình, để thấy rõ những kết quả đạt được, những việc đã làm được, những tác động của đổi mới. Bên cạnh đó cũng nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá những vấn đề bất cập, những khó khăn, hạn chế trong toàn bộ công tác tuyển sinh, từ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cho tới xây dựng các phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, các hệ thống phần mềm hỗ trợ, công tác nhập học.
Trên cơ sở đó, tìm ra những biện pháp và thống nhất những biện pháp điều chỉnh, khắc phục, cải tiến cho hệ thống. Khi thống nhất được những biện pháp, những giải pháp để khắc phục, cải tiến thì chúng ta thống nhất, quán triệt hành động và tuyên truyền sâu rộng tới các học sinh, các trường THPT.
Phương Liên