Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án luật Chứng khoán được dự thảo gồm 10 chương, 93 điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI vào tháng 5-2006. Nhiều đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố phía Nam, các chuyên gia luật, kinh tế, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán,… tham dự hội thảo đóng góp nhiều ý kiến chung quanh dự án luật.
Việc ban hành luật chứng khoán ở thời điểm hiện nay là cần thiết để tạo lập khuôn khổ pháp lý cao, thay thế các văn bản dưới luật, nhằm loại bỏ những bất cập trong hệ thống pháp lý hiện hành, những mâu thuẫn, xung đột với các luật khác, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán; tạo điều kiện hội nhập quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động ngày 20-7-2000 bằng sự ra đời của Trung tâm giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với hai công ty niêm yết. Đến nay đã có 31 công ty niêm yết. Bên cạnh đó cũng có một lượng khá lớn trái phiếu Chính Phủ đã được huy động và niêm yết trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị đạt 38500 tỷ đồng.
Tính đến tháng 12-2005, thị trường chứng khoán đã huy động được 44600 tỷ đồng, đạt 6,9% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt 1% GDP, thị trường trái phiếu đạt 5,9% GDP. Qua 5 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 28300 tài khoản chứng khoán, tăng hơn tám lần so với năm đầu mở cửa thị trường, trong đó có 246 nhà đầu tư có tổ chức và 251 nhà đầu tư nước ngoài.
(Nhân dân)