Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau 5 năm thực hiện, các quy định của Luật Thương mại và Nghị định 72/2006/NĐ-CP về cơ bản phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong WTO và tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nảy sinh những bất cập trong quản lý nhà nước và trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của thương nhân.
Hiện nay, trên cả nước có gần khoảng 4000 văn phòng đại diện, chi nhánh từ hơn 60 nước, trong đó chủ yếu tập trung ở Hà Nội (1.495 văn phòng và chi nhánh) và thành phố Hồ Chí Minh (2378), trong đó chủ yếu là các văn phòng, chi nhánh của thương nhân các nước châu Á.
Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi Nghị định 72, Vụ Kế hoạch và Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 72/2006/NĐ-CP, với sự tài trợ của Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III tiến hành một nghiên cứu đánh giá việc thực thi Nghị định 72 và nghiên cứu so sánh kinh nghiệm quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoat động của thương nhân.
Trong khuôn khổ hoạt động trên, nhằm lấy ý kiến của các thương nhân, văn phòng, đại diện chi nhánh và các chuyên gia trong lĩnh vực, Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III đã phối hợp với Vụ Kế hoạch và Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về văn phòng đại diện và chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam” vào ngày 28/10/2011 tại TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Bộ Công Thương đã trình bày về tình hình chung và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài. Chuyên gia quốc tế của Dự án MUTRAP III, ông John J. Downes đã báo cáo kinh nghiệm quản lý từ các nước như Anh, Úc, Iran, Trung Quốc, Kazakhstan, Malaysia, v.v... Chuyên gia nêu lên những kinh nghiệm từ các nước, ở những mức độ “mở” khác nhau đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh nước ngoài.
Một số điểm bất cập ở Việt Nam đã được các chuyên gia trong nước chia sẻ: tình trạng “mất quản lý” đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh do không có biện pháp kiểm tra hay chế tài áp dụng trong trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh không báo cáo hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều văn phòng ảo được đăng ký nhưng trên thực tế hoạt động không đúng quy định của pháp luật. Nhiều văn phòng tham gia hoạt động thương mại sinh lời trực tiếp, trái với quy định của Nghị định 72 dẫn đến thất thu thuế cho Nhà nước, trong khi đó các cơ quan quản lý thương mại ở địa phương không đủ công cụ để kiểm tra, kiểm soát, xử phạt đối với các trường hợp này.
Đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi Nghị định 72 nêu trên đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm tới. Trên cơ sở thu nhận ý kiến từ các chuyên gia, thương nhân từ một số hội thảo, Bộ Công Thương sẽ tiến hành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 và trình Chính phủ ban hành trong năm 2012.