Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
UNESCO đã công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới, Huế còn là nơi có nhiều hệ thống di tích phong phú tiêu biểu và điều này đã góp phần định vị Huế ngang tầm với các điểm đến có di sản văn hóa thế giới khác. Huế cũng là nơi có những tiềm năng đặc biệt về thiên nhiên nhất là hệ sinh thái biển và đầm phá, trong đó Vịnh Lăng Cô đã được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, đây là những thuận lợi để phát triển du lịch.
Tuy nhiên theo ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL thì mặc dù tiềm năng có nhiều, nhưng nếu chúng ta vẫn cứ phát triển du lịch và đầu tư vào du lịch theo thói quen tư duy cũ, mà không xác định được cái gì là ưu tiên hàng đầu, là đột phá trong thời đại cả thế giới đang chuyển mình, tái cấu trúc lại các ngành kinh tế, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội. Đây là một thách thức rất lớn đối với du lịch Thừa Thiên Huế, đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng đan xen toàn cầu hiện nay. Vì vậy, nắm bắt những xu thế hiện nay của thế giới để đối mặt và thích nghi với những thách thức cũng như những thuận lợi mới và để khai phá một hướng đi mới, đột phá, sáng tạo và bền vững là vấn đề cấp bách được đặt ra đối với du lịch Thừa Thiên Huế. Đó cũng chính là lý do và ý nghĩa của Hội thảo Quốc tế về Du lịch Di sản theo hướng Tăng trưởng Xanh được tổ chức tại Cố đô Huế lần này.
Tại Hội thảo này, các đại biểu là các chuyên gia có kinh nghiệm hàng đầu trong khu vực và trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau: quy hoạch, môi trường, truyền thông và quảng bá du lịch, văn hóa - lịch sử; các doanh nghiệp du lịch... đã tập trung thảo luận, đưa ra những gợi ý cho du lịch Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng một mô hình du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh với những mục tiêu như: Giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải và nâng cao giá trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản văn hóa; Tập trung phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho các cộng đồng địa phương mà vẫn bảo vệ được tài nguyên môi trường và phát huy được những giá trị văn hóa; Phát triển "đầu tư xanh" để "xanh hóa" du lịch bằng việc ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, hướng đến loại hình du lịch trải nghiệm bền vững; Thông qua “Du lịch xanh” tạo nên hình ảnh mới cho du lịch Thừa Thiên Huế xứng đáng là một điểm đến di sản thế giới mang đẳng cấp cao... Bên cạnh đó, trong hội thảo này, các báo cáo cũng phân tích những thử thách mà du lịch cần phải giải quyết để chuyển đổi sang du lịch xanh. Ngoài ra, Hội thảo còn đề xuất những hình mẫu thiết kế và quy hoạch điểm đến mang tính sáng tạo và bền vững, đề xuất cách thức làm thương hiệu, quảng bá - truyền thông cho một điểm đến đẳng cấp.