Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TS. Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Hội thảo. Tham gia Hội thảo còn có đại diện Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Quy hoạch; đại diện một số Bộ, ngành liên quan; đại diện Ủy ban nhân dân và Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc; đại diện một số Viện nghiên cứu liên quan và một số chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch.
|
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch chủ trì Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Nhận thức về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần có sự chuyển biến
TS. Lê Thị Kim Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu nhận thức của xã hội về quy hoạch thể hiện chủ yếu ở quan niệm của các nhà quản lý, người dân về sự cần thiết của quy hoạch trong công việc của họ; sự hiểu biết về quy hoạch (quy hoạch được hình thành như thế nào và được quản lý ra sao). Theo đó, trong kết quả điều tra các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ năm 2010, TS. Lê Thị Kim Dung cho biết ở cấp tỉnh, 55% cán bộ lãnh đạo, tham mưu và cán bộ kỹ thuật cho rằng quy hoạch là cần thiết và 41% cho rằng rất cần thiết. Xét mức độ hiểu biết về quy hoạch, kết quả điều tra cho thấy nhóm cán bộ lãnh đạo và tham mưu cũng chỉ hiểu quy trình lập quy hoạch ở mức độ tương đối (60-61%)… Từ đó đặt ra vấn đề về tư duy quy hoạch mà trong phát biểu của mình TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là vấn đề đổi mới tư duy trong việc lập quy hoạch”.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, công tác quy hoạch về cơ bản hoạt động chưa hiệu quả, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế yếu kém hiện nay. Ông cũng nhấn mạnh đến vấn đề tư duy quy hoạch. Quy hoạch - một công cụ quan trọng, hiệu quả để phát triển nền kinh tế thị trường nhưng lại được thực hiện theo mô hình của nền kinh tế tập trung bao cấp thì không thể đạt kết quả tốt. Cũng theo ông, tái cấu trúc công tác quy hoạch (nằm trong sự nghiệp tái cấu trúc nền kinh tế) trước hết phải là tái cấu trúc tư duy làm quy hoạch.
Kết hợp hài hòa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường một cách bền vững là một yêu cầu tất yếu và được coi trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, nhiều nước trên thế giới đặc biệt là các nước phát triển đã áp dụng công cụ Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Với sự ra đời của Luật Bảo vệ Môi trường, ĐMC đã trở thành một yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý đối với việc lập và thẩm định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, ngành ở Việt Nam.
Quy hoạch vùng, địa phương cần được chú trọng
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã trình bày tham luận đề xuất đổi mới công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch vùng ở Việt Nam. Theo đó, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, tiềm lực và điều kiện của các vùng, tạo lập hợp lý và có kế hoạch các mối quan hệ kinh tế - xã hội trong không gian lãnh thổ, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, bảo vệ môi trường và cảnh quan, duy trì cân bằng sinh thái.
Đại diện Viện Kiến trúc Quy hoạch và đô thị nông thôn cho rằng quy hoạch vùng cần phân cấp cho các vùng tự thực hiện để có thể tự phát huy được thế mạnh của mình, kết hợp với việc kiểm tra chéo sẽ giúp cho quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao hơn. Cùng bàn về vấn đề quy hoạch xây dựng vùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn nhấn mạnh, thực trạng công tác quy hoạch luôn gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, theo đó bệnh thành tích vẫn còn là vấn nạn của xã hội, dẫn đến đầu tư tràn lan ở địa phương. Theo ông, những vùng có địa hình tính chất giống nhau thì quy hoạch vùng về cơ bản là tương đương nhau. Do đó, việc xây dựng khung quy hoạch cơ bản của các vùng giống nhau thì những vấn đề riêng của từng vùng cần giải quyết cũng sẽ giảm đi.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Hướng tới xây dựng Luật Quy hoạch
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, có 3 nhóm quy hoạch được điều chỉnh bởi 3 hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm:
- Quy hoạch sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
- Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch Đô thị được quy định tại Luật Xây dựng 2005, Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 và Thông tư 07/2006/TT-BXD; Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các Nghị định hướng dẫn.
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội bao gồm quy hoạch vùng, địa phương, lãnh thổ đặc biệt và quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu được quy định tại Nghị định 92/2006/NĐ-CP, Nghị định 04/2008/NĐ-CP và các Thông tư 01/2007/TT-BKH và Thông tư 03/2008/TT-BKH.
Thực tế trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến công tác quy hoạch còn chồng chéo, thiếu gắn kết chính là do sự kết hợp không khoa học giữa các loại quy hoạch này. Cơ chế quản lý không nhất quán giữa các Bộ, ngành không chỉ dẫn đến sự chồng chéo bất cập trong quy hoạch mà còn tạo ra sự vận hành không liên tục, không đồng bộ trong hệ thống quản lý các quy hoạch này sau khi được phê duyệt.
TS. Khuất Việt Hùng cho rằng tình trạng hiện nay rất bất cập khi mà quy hoạch tổng thể (dựa trên Nghị định 92/2006/NĐ-CP) yếu hơn nhưng phải làm chỗ dựa cho các quy hoạch khác về đất đai, xây dựng… Có quá nhiều quy hoạch lớn tách biệt nhau, do đó nên tích hợp các quy hoạch lớn vào một quy hoạch chung, rồi mới đến bước xây dựng các quy hoạch mang tính cụ thể, chi tiết hơn, nghĩa là rất cần thiết có một Luật quy hoạch chung điều chỉnh toàn bộ các loại quy hoạch cụ thể.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí đưa ra khung nội dung Luật Quy hoạch để cùng bàn bạc và tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện văn bản luật này. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh thêm rằng cần có một chế tài xử phạt vi phạm đối với cấp thẩm định phê duyệt quy hoạch, để từ đó các quy hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc và thực sự đạt hiệu quả.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp với những ý kiến đóng góp từ nhiều đại biểu tham gia, đây sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan chủ trì, các nhà làm luật nghiên cứu và xây dựng thành công Luật Quy hoạch./.