Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bất ổn kinh tế gia tăng hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các rủi ro khí hậu.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra tổn thất lớn về kinh tế và xã hội, mà còn có thể đe dọa việc mở rộng hơn nữa các ngành truyền thống của Việt Nam. Trong 30 năm qua, Việt Nam chịu thiệt hại trung bình hàng năm từ 1-1,5% GDP và trung bình có 430 người chết do thiên tai liên quan đến khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết, đối với Việt Nam, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và cam kết đầu tư trên ngành, lĩnh vực, như tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng thông qua Quy hoạch Điện VIII với các mục tiêu tham vọng về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và triển khai Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện mức sống và đưa hàng triệu người thoát nghèo.
Dựa trên những thành tựu đáng chú ý này, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đặt ra tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tầm nhìn này thúc đẩy triển khai các cam kết của Việt Nam nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Theo bà Pauline Tamesis, Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) lần thứ 2 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF) vào tháng 7 vùa qua đã nêu ra 6 ưu tiên chính sách và khuyến nghị để tăng tốc thực hiện các SDGs.
Các ưu tiên này bao gồm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; quản lý tài nguyên hiệu quả, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, kinh tế xanh và tuần hoàn; tài chính; và tính sẵn có của dữ liệu, lấy con người làm trung tâm của mọi quyết định, chính sách và hành động.
"Những ưu tiên này rất phù hợp với 6 quá trình chuyển đổi SDG đã được các quốc gia thành viên nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh SDG - nhằm tạo ra hiệu ứng cấp số nhân lớn cho các SDG với mục tiêu thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, đồng thời bảo vệ phúc lợi cho con người và môi trường", Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Hội thảo đã giúp nâng cao hiểu biết tốt hơn về những thách thức và cơ hội phát triển của Việt Nam, cũng như các lựa chọn chính sách nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, hội thảo đã giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các cán bộ thuộc các cơ quan Chính phủ trong việc tiến hành phân tích kinh tế vĩ mô - đánh giá các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của quá trình phát triển.
Thùy Dung