• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo.

30/11/2020 18:03

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; đánh giá thực tiễn, vận dụng tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp vận dụng những giá trị tư tưởng quý báu này cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học với gần 50 chuyên đề, tham luận.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và  phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ hoan nghênh Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo với những nội dung rất sâu sắc, ý nghĩa và có tính cấp thiết với nước ta hiện nay.

Đồng thời nhấn mạnh “Hội thảo này là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ quản lý trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật và thực tiễn vận dụng tư tưởng đó ở nước ta 75 năm qua. Từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị tiếp tục vận dụng những giá trị lớn lao trong tư tưởng của Người trong giai đoạn tới”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ: Hội thảo được tổ chức rất đúng thời điểm khi chúng ta vừa kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đây cũng là giai đoạn chúng ta đang tích cực chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có việc đề ra định hướng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn liền với tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức Hội thảo. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Phó Thủ tướng khẳng định, qua các báo cáo khoa học trong Kỷ yếu và đặc biệt là các báo cáo khoa học trình bày tại Hội thảo, có thể thấy rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, thấm nhuần và nỗ lực vận dụng sáng tạo những giá trị cốt lõi nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.

Cụ thể, thứ nhất, qua những tác phẩm chính luận báo chí, các bài nói và viết trong quá trình hoạt động cách mạng và đặc biệt qua những văn bản, văn kiện do Người trực tiếp khởi thảo hoặc chỉ đạo khởi thảo, chúng ta thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh có một hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện và tiến bộ về Nhà nước, pháp luật làm nền tảng kim chỉ nam cho thực tiễn vận dụng ở Việt Nam. Với những nội dung mang tầm triết lý sâu sắc và rất riêng có của vĩ lãnh tụ kính yêu, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật không thể nghiên cứu một lần đã xong, đã thấu đáo mà cần phải được nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa mới có thể nhận thức đúng đắn và vận dụng đầy đủ được.

“Tại Hội thảo này đã phân tích, đánh giá, nhận diện khá toàn diện những luận điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật cùng thực tiễn vận dụng ở nước ta trong 75 năm qua. Chỉ rõ những giá trị lịch sử và đương đại của các tư tưởng đó, đồng thời đưa ra nhiều gợi mở quan trọng về việc tiếp tục vận dụng tư tưởng của Người trong công cuộc cải cách, đổi mới ở nước ta trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý với nhiều ý kiến tại Hội thảo rằng, hiện nay bộ máy nhà nước của chúng ta ở một số nơi còn chưa được tổ chức hợp lý, hiệu lực hiệu quả còn chưa cao, thủ tục hành chính trong không ít lĩnh vực còn phiền hà, năng lực, phẩm chất ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí không chính thức còn cao, còn tình trạng những nhiễu, tham nhũng vặt gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Tính thượng tôn pháp luật chưa cao, kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Theo Phó Thủ tướng, để khắc phục những hạn chế này, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực vận dụng triệt để hơn nữa những giá trị sâu sắc về Nhà nước và pháp luật kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Thứ hai, một trong những điểm xuất phát trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật chính là tư tưởng lấy dân làm gốc, kế thừa bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất kỹ, đảng viên phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng, tức là hết lòng, ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối. Muốn thực sự lấy dân làm gốc, thực sự gần dân thì việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Thứ ba, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, trọng tâm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là quan điểm triết lý chính trị, đạo đức và pháp lý về một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các  đạo luật. Đó là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, có trách nhiệm trước nhân dân.

Thứ tư, về bộ máy nhà nước, trong thực tế với lòng yêu nước, thương dân vô hạn cùng trí tuệ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước rất đặc sắc thể hiện trong nội dung các bản Hiến pháp và các sắc lệnh, đạo luật lúc người còn sinh thời. 

Với mỗi thành tố cơ bản trong bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những chỉ dẫn khá cụ thể về cách thức tổ chức và hoạt động bảo đảm các thành tố đó có thể thực hiện được các bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Với chính quyền địa phương, Người đã quan tâm thiết kế mô hình chính quyền địa phương có tính tới đặc điểm khác biệt của nông thôn và đô thị. Trong bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đặt yêu cầu cao với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu phải là “Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Người nhấn mạnh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Điều đặc biệt là đối với từng lĩnh vực cụ thể, Người còn có những điều căn dặn riêng đối với tiêu chuẩn cán bộ trong lĩnh vực ấy. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và pháp luật cần đặc biệt lưu ý tư tưởng của Người về phòng chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Người có nhiều bài nói, viết về phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu và coi tham ô, lãng phí là bệnh quan liêu, là giặc nội xâm, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được triển khai rất quyết liệt, được đảng viên, cán bộ và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ cao chính là sự kế tục tư tưởng và làm theo lời chỉ dẫn của Bác

Thứ năm, về vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Duy trì trật tự xã hội phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Pháp luật cần chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa vì nhân dân lao động và vì con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật.

Pháp luật cần được xây dựng để trước hết điều chỉnh tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, điều chỉnh hành vi của cán bộ công chức Nhà nước để đảm bảo cho nhân dân có được chính quyền với mục đích duy nhất mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người, đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết. Thực hiện phương châm “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Pháp luật cần được xây dựng để bảo đảm cho người dân được hưởng tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, pháp luật cũng cần được hình thành bằng con đường dân chủ với sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân, đồng thời  phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Các bản Hiến pháp do Người trực tiếp chỉ đạo quá trình soạn thảo đều được xây dựng hết sức dân chủ có sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Ngoài ra, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật còn chứa đựng nhiều nội dung quan trọng khác mà nhiều chuyên đề, tham luận trong Hội thảo đã đề cập như: việc kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ Hiến pháp, quyền con người…

“Càng nghiên cứu và thấm sâu tư tưởng của Người, chúng ta càng thấy giá trị thời sự to lớn của những chỉ dẫn ấy, từ đó thôi thúc chúng ta quyết tâm hơn nữa trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh và hiện thực hóa nguyện ước suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: Chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để định ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sau Hội thảo này sớm công bố các kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, nhân dân được tiếp cận một cách đầy đủ, đồng thời xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bộ Tư pháp cũng cần phối hợp với các ban, bộ, ngành chủ động nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội một số việc quan trọng cấp bách về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, hoàn thiện theo đúng tư tưởng và ý nguyện của Người.

“Hội thảo khoa học quốc gia lần này đã ghi nhận và đánh dấu những thành tựu, nỗ lực nghiên cứu rất tâm huyết tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật đồng thời cũng gợi mở thêm nhiều vấn đề để các nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người quan tâm đến tư tưởng của Người tiếp tục nghiên cứu, phát triển”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá.

Toàn Thắng