Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhớ buổi tối 30/4/2005 - lễ kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước - tại công viên Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TPHCM, với "điểm nhấn" là những vị khách đặc biệt: 100 bạn trẻ tuổi 30 - những bạn sinh đúng vào ngày thống nhất hai miền Nam Bắc. Bây giờ những người ấy đã bước vào tuổi 49.
Trong số ấy, chúng tôi có một đồng nghiệp, làm việc tại Saigon Times - Tạp chí Kinh tế Sài gòn, chị Phạm Thị Trang, một trong những khách mời của đêm lễ hội 30 năm thống nhất.
Hai vợ chồng chị Trang gặp nhau tại sự kiện, đối với chị, là "không thể tin được". Chồng chị Trang là anh Lê Vinh Quang cũng sinh ngày 30/4/1975 như chị. Cuộc sống đã ghép họ thành một cặp đôi như một món quà tặng của hòa bình.
Những bộn bề của cuộc sống khiến họ không phải lúc nào cũng nhớ tới kỷ niệm ngày đầu gặp nhau, nhưng đến ngày 30/4 hằng năm, ký ức sống dậy, và dù thế nào, ký ức ấy cứ hòa quyện vào dòng lịch sử đất nước. Ở tuổi 49, hạnh phúc lớn nhất của cặp đôi đặc biệt này là hai con: Bé gái học lớp 10 và bé trai lớp 9. Năm nào các cháu cũng háo hức chờ ngày 30 tháng 4 để được mừng sinh nhật của cả ba và mẹ. Đôi khi lịch sử chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng có lẽ, ít gia đình nào lại có may mắn trùng hợp như gia đình này. Càng hạnh phúc, họ càng tràn đầy một cảm giác biết ơn!
Đối với PGS. Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường, dường như ngày 30/4 chưa qua lâu, khi anh nhận được một học bổng đi Mỹ học chuyên môn vào đúng ngày đó năm 1991. Khi ấy, Việt Nam vẫn còn bị Hoa Kỳ cấm vận nhưng bác sĩ Cường vẫn được xuất ngoại để đến Mỹ học tập…
Sau khi trở về, một bác sĩ tiền bối đã nói với anh: "Cậu nên biết ơn những nhà lãnh đạo đã xé rào cho phép cậu đi. Không có những vị ấy thì làm sao cậu có thể đi học ở Hoa Kỳ vào thời điểm nhạy cảm như vậy".
"Ông ấy quả không sai", PGS.BS. Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Chợ Rẫy, kể tiếp: "Ngay khi tôi đậu Toefl và về nộp đơn cho Đại học Y Dược để xin đi học, lãnh đạo nhà trường lập tức họp. Sau này, có người kể tôi nghe, có nhiều cán bộ quản lý của trường phản đối, họ nói: "Anh này không phải Đảng viên, không phải gia đình cách mạng, lại có nhiều anh chị em ruột ở Mỹ, có nhiều anh chị em bên vợ định cư ở Canada. Anh này đi là đi luôn đó!".
May quá, thầy tôi, cố GS. Trương Công Trung, Hiệu Trưởng Đại học Y Dược, Khoa trưởng Khoa Y, đại biểu Quốc hội, đã nêu ý kiến: "Nếu anh Cường đi luôn, ta sẽ mất một cán bộ bình thường, nhưng nếu anh này học về, ta sẽ có một cán bộ giỏi".
Với tầm ảnh hưởng của cố Giáo sư Trung, lãnh đạo Đại học Y Dược biểu quyết tán thành cho Bác sĩ Cường đi Mỹ du học. "Việc du học của tôi thành công được là nhờ những vị Thầy, những cán bộ liêm chính và sáng suốt trong guồng máy lãnh đạo đất nước như thế. Tôi mang ơn Thầy suốt đời, và đến nay dù Thầy Cô đều đã mất, hằng năm tôi đều đến thắp hương cho Thầy Cô vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 30 tháng 4 và ngày Tết", PGS.BS. Nguyễn Tấn Cường cho biết.
Với kiến thức học được ở một nước phát triển, PGS.BS. Nguyễn Tấn Cường cố gắng tổ chức các khóa huấn luyện về phẫu thuật nội soi tại Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy cho các bác sĩ tại TPHCM và cho cả miền Nam cùng các tỉnh phía Bắc. Nhờ vậy, ngày nay Việt Nam chúng ta cũng có danh tiếng là quốc gia mổ nội soi uy tín ở khu vực Đông Nam Á.
Bác sĩ Cường nhấn mạnh: "Không bao giờ trễ khi muốn nói lời cảm ơn".
Câu chuyện của vị bác sĩ, đứa con của Sài Gòn - TPHCM, cho thấy một thay đổi ngoạn mục chỉ bắt đầu bằng niềm tin và uy tín của bậc thầy.
Nếu hai vợ chồng chị Phạm Thị Trang và anh Lê Vinh Quang cũng như PGS.BS. Nguyễn Tấn Cường có những bước ngoặt đáng nhớ trong đời riêng, gắn với dòng thời cuộc, tại Sài Gòn - TPHCM, thì ký ức của những nhà báo phương Tây - những người hiếm hoi còn ở lại với Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 - không gì sống động hơn, mặc cho 49 năm trôi qua như một chớp mắt của thời gian.
Nhà báo Martin Woollacott của tờ The Guardian (Anh) đã từng "nhớ lại những đồng nghiệp của ông: "Các phóng viên chọn ở lại Sài Gòn chủ yếu là người Pháp và người Nhật, cộng thêm một ít người Anh và một hai nhà báo Mỹ với quốc tịch giả Canada. Chúng tôi đã đưa tin về một cuộc chiến, mặc dù không phải không nguy hiểm".
Thường những nhà báo nước ngoài chọn ở lại là những người phản chiến. Gloria Emerson của tờ New York Times, James Fanton của The Guardian, hay nhà báo Italy Tiziano Terzani, người đã thể hiện điều đó hay nhất trong câu nói: ""Đối với "quân giải phóng", tôi vừa có sự ngưỡng mộ to lớn…".
Còn Martin Woollacott viết: "Khi đó, bộ đội cũng có một số sĩ quan nói được tiếng Anh và tiếng Pháp rất giỏi. Sau ngày giải phóng Thành phố, một đơn vị làm phim của bộ đội đã xông vào văn phòng của hãng CBS và yêu cầu văn phòng này chuyển giao đoạn phim về trận chiến tại cầu Tân Cảng, ngay bên ngoài Thành phố... Tôi chạy đi gặp một đại tá quân giải phóng lịch thiệp mà chúng tôi đã gặp trước đó. Anh đến, xoa dịu tình hình và ra lệnh cho đồng đội rời đi. Người trưởng phòng CBS nhẹ nhõm mời anh ta một ly rượu. Anh lịch sự từ chối, nói thêm với nụ cười: "Đừng lo, sau này chúng ta sẽ có nhiều khoảng thời gian vui vẻ…".
Khoảng thời gian đó không ngờ kéo dài đến tận 30 năm sau, vào ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn: "Bầu không khí ở đất nước ba thập kỷ sau chủ yếu là lễ hội, tập trung vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Ký ức về chiến tranh và hậu quả của nó chỉ là những giai thoại trong sách lịch sử đối với hầu hết những người Việt sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc", Phóng viên AP viết trong chuyến trở lại sau này.
Cách đây 19 năm, tại lễ mừng 30 năm chiến thắng và thống nhất đất nước đó, hầu hết các nhà báo quốc tế từng ở lại Sài Gòn, còn sống, đều được mời trở lại. Có lẽ ấn tượng lớn của họ là sự thay đổi về kinh tế: "Trên những đại lộ lớn nơi xe tăng từng lăn bánh, kinh tế thị trường đã bén rễ vững chắc. Một số xe diễu hành do các ngân hàng Việt Nam tài trợ có logo của các công ty thẻ tín dụng Mỹ (như Mastercard, Visa…). Ngày nay, đường Lê Duẩn là nơi tọa lạc của Diamond Plaza, một cửa hàng bách hóa cao cấp, sang trọng, nơi bán nước hoa Pháp và giày Ý cho tầng lớp trung lưu, thành thị mới nổi. Dọc theo con đường này, có một khách sạn năm sao thuộc sở hữu của Pháp nằm đối diện lãnh sự quán Hoa Kỳ".
Một đổi thay, với họ, là đáng kinh ngạc. Bởi vì, ngày 30/4/1975, trước khi rời đi, Peter Kann, phóng viên của tờ Wall Street Journal đã mua một vật kỷ niệm là mô hình một chiếc trực thăng bằng phế liệu, do một cậu bé bán dạo trên phố Tự Do (nay là đường Đồng Khởi).
Tất cả câu chuyện của những nhân vật trên gắn với ngày lịch sử 30/4/1975, một ngày đã xa 49 năm nhưng lại rất gần.
49 năm kể từ đó. Và sang năm 2025 sẽ là kỷ niệm nửa thế kỷ đất nước hòa bình thống nhất. Trong đời người, 49-50 đã là trung niên. Nhưng ở tuổi nào, hồi ức đẹp vẫn luôn là món quà tặng quý giá của thời gian. Đặc biệt, khoảng thời gian đó không chỉ thuộc về những cá nhân, mà là của cả một dân tộc, và trong một ý nghĩa nào đó, thuộc về nhân loại.
Trần Ngọc Châu