Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Sở NN&PTNT Quảng Bình, các mô hình kinh tế nông nghiệp được người dân trên địa bàn áp dụng rộng rãi thời gian qua cho giá trị kinh tế cao, gồm: Mô hình lúa cá, lúa vịt ở huyện Lệ Thủy; mô hình 3r n (ruộng rau rượu nuôi trồng thủy sản) ở huyện Quảng Ninh; mô hình lúa rau màu, rau màu và trồng hoa ở 20 xã vùng cát ven biển dọc Quốc lộ 1A; mô hình nuôi trồng thủy hải sản ở tại 7/7 huyện, thành phố… Trong đó, đáng kể có mô hình lúa 2 vụ rau màu ở 20 xã vùng cát ven biển dọc Quốc lộ 1A có diện tích hơn 700 ha, cho thu nhập đạt từ 70-100 triệu đồng/ha/năm; mô hình rau sạch ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) và Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) có diện tích trên 100 ha, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá nước ngọt và nước lợ ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) có diện tích gần 90 ha, cho thu nhập 100-150 triệu đồng/ha…
Hiện nay, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ về vốn, giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tỉnh Quảng Bình cũng đang khuyến khích người dân và các địa phương trong tỉnh tích cực thi đua cải tạo đất đai, vườn tạp, chuyển dịch diện tích đất lúa 2 vụ bấp bênh sang trồng rau màu, nuôi trồng thủy hải sản, trồng rau màu cùng dưa hấu vụ hè thu… đến tăng thêm thu nhập. Ngành NN&PTNT Quảng Bình cũng đã khảo sát, điều tra và đang trực tiếp chỉ đạo chuyển dịch sản xuất với gần 1.200 ha đất nông nghiệp ở 20 xã vùng cát ven biển nhằm giúp người dân ở đây tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Quảng Bình phấn đấu đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có trên 11.500 ha đất nông nghiệp cho giá trị thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Mạnh Thành