Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng Luật Nhà ở cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là khá cởi mở, một thay đổi lớn, là cú hích mạnh cho nguồn vốn ngoại chảy vào thị trường BĐS.
Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp quy định tối đa một dự án cho phép bán không quá 30% số lượng sản phẩm và 250 căn nhà trong một phường, xã.
“Tại TPHCM, những khu vực như Quận 1, 2, 7 có những phường tập trung người nước ngoài rất đông. Nếu chỉ cho mua 250 căn là không khả thi. Do đó, cần gia tăng tỷ lệ cho người nước ngoài mua nhà tại các dự án và các khu vực hành chính lên”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nói.Ông Đặng Chiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Nam cũng cho rằng hạn chế lớn hiện nay là chúng ta khống chế số lượng bất động sản mà người nước ngoài được mua quá thấp. Tỷ lệ như trên là thấp với các vùng tập trung đông người nước ngoài ở như Phú Mỹ Hưng (Quận 7), Thảo Điền (Quận 2)…
Ông Vũ Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Phú Long, đưa ra một khó khăn nữa là luật đã có hiệu lực từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể. Do đó, đa phần người nước ngoài mới chỉ có thể đặt cọc giữ chỗ chứ chưa ký được hợp đồng mua bán vì họ vẫn chờ các hướng dẫn chi tiết. Một số khách bí bách về nhà ở vẫn sử dụng phương án như trước đây là nhờ vợ chồng, người thân là người Việt Nam đứng tên.
Cũng là một Việt kiều, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói chính sách này đang bộc lộ một số hạn chế, đó là quyền tư hữu. Bởi theo luật, người nước ngoài chỉ sở hữu nhà, còn đất thì được sử dụng có thời hạn nhiều nhất là 50 năm.
“Người nước ngoài, Việt kiều mua nhà đất thường không dùng tiền tiết kiệm mà thường vay ngân hàng. Nhưng với chính sách đất đai này thì họ khó mà vay tiền được. Đây cũng là một trở ngại mà chúng ta cần tính toán để tận dụng tối đa nguồn vốn ngoại”, TS Hiếu nói.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, cho rằng một số quy định khác như: người nước ngoài không được trực tiếp đăng ký thuê bao đồng hồ điện, không được vay vốn ngân hàng... cũng đang cản trở người nước ngoài mua nhà tại VN, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường.
Trả lời các vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi nói tỷ lệ sở hữu BĐS dành cho người nước ngoài ở Việt Nam thì Quốc hội đã thông qua nên không thay đổi tỷ lệ.
"Nút thắt lớn nhất đối với việc cho người nước ngoài mua nhà tại VN hiện nay là thiếu nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết thì chúng tôi đã trình lên Chính phủ. Còn nhiều điều phải bàn thảo, dự kiến trong tháng 9 này sẽ chính thức ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…”, ông Khởi nói.
Thanh Hằng