Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đến nay BHXH Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95,6 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu (CSDL) do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 97,1% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.
100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), có hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 346.683 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; tiếp nhận và xử lý 6.268 giao dịch đăng ký đóng BHXH tự nguyện. Toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý 41.240 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT thông qua dịch vụ công này.
Đáng chú ý, thực hiện dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng", BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 535.676 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; tiếp nhận 6.544 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn phối hợp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, trong đó phối hợp triển khai thử nghiệm Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP.Hà Nội. Phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Đến nay, toàn quốc có 1.216 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe với 2.058.654 dữ liệu được gửi; có 1.582 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh với 852.542 dữ liệu được gửi; 596 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử với 8.575 dữ liệu được gửi.
Đến nay, toàn quốc có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022 (vượt 4% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 47% (tăng 5% so với năm 2022, tăng 10% so với năm 2021); chế độ BHXH một lần đạt 94% (tăng 2% so với năm 2022, tăng 9% so với năm 2021); trợ cấp thất nghiệp đạt 98% (tăng 2% so với năm 2022, tăng 5% so với năm 2021).
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị. Theo đó, đề nghị Bộ Công an hướng dẫn, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân từ các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất, đúng quy định.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với BHXH Việt Nam chỉ đạo triển khai rà soát, cập nhật, xác thực thông tin số định danh cá nhân/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, chia sẻ thông tin công dân đang hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp đi định cư ở nước ngoài, xuất cảnh trái phép, bị tuyên bố mất tích để phục vụ giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH.
Bộ Thông tin và truyền thông hỗ trợ BHXH Việt Nam đảm bảo an toàn thông tin mạng; tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.
Bộ LĐTB&XH chia sẻ dữ liệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nông-lâm-ngư nghiệp để đối soát khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đóng BHXH tự nguyện, đóng BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT. Đồng thời, báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH, bổ sung quy định cơ quan BHXH được phép chi trả thông qua tài khoản tiền gửi của người hưởng mở tại ngân hàng nước ngoài và hướng dẫn cụ thể để cơ quan BHXH có cơ sở tổ chức thực hiện. Hoàn thiện CSDL về BH thất nghiệp và kết nối, liên thông với cơ quan BHXH nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong tổ chức triển khai dịch vụ công "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia".
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có cơ chế ưu đãi lâu dài (miễn, giảm các loại phí dịch vụ) cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp; có kế hoạch nâng cấp hạ tầng dịch vụ, số lượng, chất lượng hệ thống ATM, sớm triển khai mô hình đại lý ngân hàng, mở rộng triển khai trang bị máy CRM (máy ATM có chức năng hỗ trợ rút tiền bằng CCCD gắn chip) để tăng cường các điều kiện đẩy nhanh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, có hướng dẫn xử lý đối với trường hợp phải thu hồi số tiền đã chi vào tài khoản ATM của người hưởng đã từ trần không còn được nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Báo cáo Chính phủ kiến nghị quy định bắt buộc đối với người lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, HTX, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...; người hưởng chính sách an sinh xã hội vùng đô thị nhận tiền qua tài khoản cá nhân.
Bộ Tư pháp chia sẻ dữ liệu khai sinh, dữ liệu khai tử cho BHXH Việt Nam để phục vụ các nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam cũng như thực hiện các TTHC liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định hiện hành.
UBND TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành quy trình cung cấp, tích hợp, chia sẻ thông tin, trong đó có quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, quy trình, phương án kỹ thuật và trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình cung cấp, tích hợp, chia sẻ, kết nối thông tin và quy định cụ thể các trường dữ liệu triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử phù hợp với quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP.
Thu Cúc