Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hà Nội đã tiêm vaccine cho khoảng 87% trẻ từ 12-17 tuổi. |
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 8/12, toàn thành phố ghi nhận 709 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 243 ca cộng đồng, 329 ca trong khu cách ly, 137 ca trong khu phong tỏa.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội từ ngày 29/4/2021 đến nay là 15.255 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.847 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 9.408 ca.
Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng mạnh, đỉnh điểm là ngày 6/12 ghi nhận 774 ca mắc.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, số ca mắc COVID-19 tăng lên ở Hà Nội là điều bình thường, nằm trong dự báo khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, đa số các trường hợp đều đã được tiêm vaccine nên khi nhiễm thì không có triệu chứng, hoặc diễn biến nhẹ.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã cho thấy điều này. Theo số liệu cập nhật đến ngày 4/12, Hà Nội có 4.651 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang phải điều trị tại bệnh viện. Trong số này có tới 3.902 người chỉ diễn biến nhẹ, thậm chí không xuất hiện triệu chứng. Con số này chiếm khoảng 83,8% tổng số bệnh nhân tại Hà Nội.
Các trường hợp diễn biến từ trung bình đến nặng, nguy kịch chỉ chiếm gần 20%. Cụ thể, thành phố đang điều trị cho 699 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 50 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 46 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 2 người phải thở máy không xâm lấn, một ca thở máy xâm lấn và một người cần lọc máu.
"Một trong những hiệu quả của vaccine là giảm được diễn biến nặng, giảm nguy cơ tử vong. Theo số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng, đến nay, Hà Nội có tỷ lệ người tiêm mũi 2 là trên 90%. Kết quả nêu trên phần nào thể hiện được hiệu quả của vaccine đối với cộng đồng. Bây giờ, mỗi người dân cần xác định khi bị nhiễm SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng, hoặc diễn biến nhẹ thì có thể tự cách ly, điều trị tại nhà, thậm chí làm việc, học tập online bình thường", Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nói.
Dựa trên thực tế này, vị chuyên gia cho rằng, người dân không nên hốt hoảng, lo lắng khi số ca nhiễm COVID-19 tăng. Điều này hoàn toàn được dự báo từ trước khi Hà Nội chuyển sang giai đoạn bình thường mới và nhờ có vaccine, bệnh không đe dọa nhiều đến sức khoẻ và tính mạng của người dân.
"Chính phủ đã xác định chiến lược mới đối phó với COVID-19. Phản ứng thái quá dẫn đến chuyện đóng cửa, hạn chế đi lại, kinh doanh... ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Thứ hai, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước cần nhanh chóng tiêm phủ vaccine 2 mũi cho toàn bộ dân số, gồm trẻ em dưới 18 tuổi và người già, người có nguy cơ cao, nhiều bệnh nền để giảm thiểu tử vong.
Riêng về mũi tiêm thứ ba, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu chuẩn bị tiêm cho đối tượng ưu tiên.
“Từ những bài học kinh nghiệm được rút ra khi Việt Nam mới triển khai tiêm vaccine, Hà Nội cần tiêm dứt điểm cho xong nhóm đối tượng được ưu tiên số 1 rồi mới đến nhóm đối tượng ưu tiên số 2, số 3... để phát huy được hiệu quả của vaccine.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần đánh giá số liệu, tổng kết xem những người đã tiêm vaccine chừng 5-7 tháng có tỷ lệ mắc COVID-19 như thế nào so với những người mới tiêm 1-2 tháng, đầu tư xét nghiệm kháng thể xem có khác gì nhau không... để có được những bằng chứng hỗ trợ cho các nhà quản lý có quyết sách đúng đắn”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đề xuất.
Thứ ba, ý thức tự bảo vệ của người dân rất quan trọng. Người dân không được chủ quan, không lơ là mất cảnh giác mà phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, thực hiện tốt 5K, giãn cách, tránh tụ tập và nhất là luôn tuân thủ khẩu trang. Đây là các biện pháp dễ thực hiện, hiệu quả.
Thứ tư, việc cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ tại nhà là một trong những giải pháp phù hợp khi chúng ta đã quyết định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cách ly, điều trị tại nhà đem lại nhiều lợi ích cho chính bản thân người bệnh, lợi ích cho hệ thống y tế cơ sở, y tế địa phương, hệ thống các bệnh viện, giảm tải cho hệ thống y tế, phát huy vai trò của người dân.
“Để làm được như vậy người dân sẵn sàng tham gia, hợp tác cùng chính quyền, hệ thống y tế, chuẩn bị điều kiện, lên phương án cách ly, thuốc men, ăn uống, theo dõi sức khỏe... trong trường hợp gia đình có người mắc COVID-19.
Về phía chính quyền, nên chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để kết nối khi F0 có dấu hiệu chuyển nặng, có thể dễ dàng liên hệ với y tế để chuyển tuyến. Như vậy sẽ thuận lợi và thích ứng phù hợp hơn với tình hình dịch” PGS.TS Nguyễn Việt Hùng khuyến nghị.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp, đặc biệt từ ngày ngày 11/10 đến nay số ca mắc trong ngày tăng cao, như ngày 6/12 Hà Nội ghi nhận 774 ca dương tính. Và ngay sáng 9/12 đã ghi nhận có 174 ca dương tính.
Sở Y tế dự báo số ca mắc tại địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng cao và có thể lên 1.000 ca/ngày, có thể xuất hiện biến chủng mới Omicron gây lây nhiễm cao hơn biến chủng Delta…
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca mắc ở thể nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm tập trung của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Hà Nội đang thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đã có giải pháp cụ thể như các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch hàng tuần, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Ngành y tế Thủ đô tiếp tục truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giải tải cho tuyến trên.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tiêm phòng vaccine cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vaccine của Bộ Y tế; ứng dựng CNTT trong xét nghiệm, quản lý F0, F1, không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. Ngành cũng luôn, cập nhật thông tin F0 trên phần mềm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.
Thành Luân