Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quang cảnh Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII - Ảnh: VGP/Minh Trang
Chiều 25/4, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 31, kỳ họp này xem xét, thảo luận và thông qua các nghị quyết về chủ trương thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị.
Báo cáo tại kỳ họp, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, đối với đề án thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, qua lấy ý kiến cử tri có 98,74% cử tri đồng ý đối với đề án.
Đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất có diện tích gần 12.700 km2, đạt 254% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số hơn 1,84 triệu người, đạt gần 132% so với tiêu chuẩn; số đơn vị hành chính cấp cơ sở có 78 đơn vị, gồm: 69 xã, 8 phường và 1 đặc khu. Trung tâm chính trị – hành chính của tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất đặt tại tỉnh Quảng Bình.
Đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị, số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp có 36 xã, phường và 1 đặc khu; giảm 83 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỉ lệ giảm 69,74%.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận, thống nhất bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về chủ trương thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị một số nội dung gồm: kiến nghị Trung ương tích hợp quy hoạch tỉnh của 2 địa phương thành quy hoạch tổng thể của tỉnh mới theo hướng tái cấu trúc không gian phát triển; phân bổ lại các nguồn lực, vùng miền đảm bảo phát triển hài hòa, khai thác tiềm năng, lợi thế của 2 tỉnh hiện nay, tránh tình trạng phát triển cục bộ hoặc chênh lệch vùng miền quá lớn; quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo.
Trước mắt, duy trì một số bộ phận của các cơ quan, đơn vị làm việc tại Quảng Trị, giảm áp lực đầu tư nâng cấp, cải tạo trụ sở mới, tránh lãng phí trụ sở hiện có; giảm gánh nặng di chuyển, thuê nhà ở và tạo điều kiện dần ổn định đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về lâu dài, đề xuất nghiên cứu quy hoạch trung tâm chính trị - hành chính mới có vị trí phù hợp, đảm bảo cân bằng, hài hòa về mặt không gian; tối ưu hóa chức năng lãnh đạo chính trị, quản lý hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công; đồng thời làm trung tâm tạo động lực cho việc phát triển các đô thị hiện hữu.
Đối với dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị, bổ sung, điều chỉnh đối với nội dung sáp nhập 3 xã: Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy thành xã Vĩnh Thủy; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại xã Vĩnh Lâm hiện nay. Đồng thời biểu quyết thông qua toàn bộ 5 nghị quyết với sự thống nhất cao.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh 2 nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn sâu sắc, mang ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược lâu dài, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về xây dựng chính quyền địa phương đảm bảo "tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân" theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh cần khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua; tiếp thu, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Minh Trang