Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo. |
Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn – chủ trì buổi họp báo, ông Tô Văn Động – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTTDL, ông Hoàng Đức Hậu – Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ VHTTDL cùng đông đảo phóng viên các báo, đài TƯ và Hà Nội.
Tại buổi họp báo, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đã công bố Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. Theo đó, Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2011 đến 2020, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015, giai đoạn 2 từ 2016 đến 2020. Đối tượng là các dân tộc thiểu số VN, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Địa bàn thực hiện là khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, những vùng phải di dời để phát triển kinh tế, vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa, vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).
Đề án bao gồm 4 mục tiêu tổng quát, 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh các mục tiêu: bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số VN, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm: vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Đề án bao gồm 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung ban hành Bộ chỉ số về phát triểnvăn hóa các dân tộc thiểu số VN. Đề án đưa ra 7 giải pháp: đào tạo nhân lực nòng cốt, bảo tồn khẩn cấp, xây dựng các chương trình giao lưu, huy động nguồn tài chính, công tác tuyên truyền, lồng ghép các chương trình dự án, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Đề án còn bao gồm 6 dự án: Bộ chỉ số, bảo tồn khẩn cấp, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, quảng bá, giao lưu. Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 1512 tỷ đồng.
Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” không nặng về các dự án đầu tư, các chương trình hỗ trợ từ trên xuống mà tập trung bảo tồn khẩn cấp và nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người, tạo điều kiện phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân đông. Đề án sẽ được thực hiện với quan điểm xuyên suốt: Nhà nước không làm thay, chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tác động tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, phù hợp để bảo tồn, phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số VN. Điểm mới của Đề án là phương thức triển khai theo hướng từ dưới lên, chủ thể văn hóa đề xướng, thực hiện và thụ hưởng, tập trung cho các dự án hỗ trợ, tăng cường năng lực với vai trò con người- chủ thể văn hóa là trung tâm, không nặng về các dự án đầu tư.
Giai đoạn trước mắt từ nay đến năm 2015, Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số VN đến năm 2020; tổng kiểm kê các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân rất ít người (dưới 5000 người); ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, nghệ nhân; từng bước phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số; bước đầu đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào các trường học trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành thành lập Ban chỉ đạo, Nhóm công tác Đề án; tuyên truyền, giới thiệu về Đề án; thống nhất với các Bộ, Ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án năm 2012, tổng hợp kế hoạch thống nhất với Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối bố trí vốn ngân sách thực hiện Đề án năm 2012, rà soát lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1270 và xây dựng các Dự án thành phần giai đoạn 2011- 2015. Bộ VHTTDL tổ chức công bố nội dung Đề án nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá tới đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, qua đó thiết lập một kênh giám sát và đóng góp ý kiến cho việc thực hiện đề án từ dư luận xã hội, góp phần thiết thực vào việc thực hiện đề án một cách hiệu quả.
T.H