Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Gia đình ông Ngô Nhật Thái (Ba Đình, Hà Nội; email: nnthai3yt@...) ký hợp đồng mua nhà với Sàn giao dịch bất động sản từ tháng 6/2009 với giá tính bằng đô la Mỹ (USD) và quy định khi thanh toán (theo từng đợt) sẽ trả bằng Việt Nam đồng quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán.
Đến tháng 10/2011, gia đình ông Thái đã trả khoảng 70% tổng giá trị nhà, phần còn lại sẽ thanh toán khi nhận nhà.
Tuy nhiên, theo ông Thái được biết, Nghị đinh 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ quy định, các tổ chức kinh doanh không được phép ghi giá và thanh toán dịch vụ bằng ngoại tệ.
Ông Thái đề nghị cơ quan chức năng cho biết, ông có thể yêu cầu Sàn giao dịch bất động sản cho phép ông thanh toán phần giá trị còn lại của ngôi nhà theo tỷ giá USD tại thời điểm ký hợp đồng không?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải đáp thắc mắc của ông Thái như sau:
Tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: "Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng khác, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép".
Đồng thời, Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam và đưa ra các trường hợp cụ thể được loại trừ, trong đó không bao gồm hành vi "thỏa thuận giá cả hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ".
Căn cứ các nội dung trên, việc hợp đồng mua bán nhà có nội dung "giá bán tính bằng USD" là vi phạm quy định pháp luật về ngoại hối.
Về đề nghị của ông Thái liên quan đến việc thanh toán hợp đồng, tại Điều 388 Bộ luật Dân sự quy định: "Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".
Tại khoản 1 Điều 423 Bộ luật Dân sự quy định: "Các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Ngoài ra, khoản 1 Điều 389 Bộ luật Dân sự về các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự quy định: "Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội".
Như vậy, việc giao kết hợp đồng dân sự là thỏa thuận của các bên và các bên và các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng nhưng không được trái pháp luật.
Do đó, liên quan đến đề nghị của ông Thái về việc "ông có thể yêu cầu được thanh toán cho Sàn giao dịch bất động sản theo tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng không", Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, việc giao kết hợp đồng với nội dung "giá bán tính bằng USD" là vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, trái với quy định tại Khoản 1 Điều 398 Bộ luật Dân sự.
Việc thanh toán số tiền còn lại của Hợp đồng do các bên thỏa thuận và phải tuân thủ theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông tin giải đáp công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân