Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hợp tác sâu, rộng về giao thông vận tải
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa Việt Nam và Lào đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý giá của hai dân tộc.
Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962 và ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977 đến nay, sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc Việt-Lào trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong chặng đường bảo vệ và phát triển đất nước càng thêm khăng khít.
Đến nay, mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới mà không có bất kỳ quốc gia nào có được đó là "mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam".
Trong sự hợp tác toàn diện ấy, mối quan hệ truyền thống giữa ngành giao thông vận tải hai nước đã được xây dựng và vun đắp từ những năm kháng chiến, hàng chục nghìn chuyên gia giao thông vận tải, thanh niên xung phong Việt Nam đã cùng với cán bộ và nhân dân bạn Lào cùng nhau mở nhiều tuyến đường quan trọng trên đất Lào, cùng nhau xây dựng nền móng đầu tiên cho ngành giao thông vận tải của bạn.
Minh chứng rõ nét nhất về sự hợp tác giao thông giữa hai nước là việc hàng trăm km đường bên Lào đã được phía Việt Nam trực tiếp thi công đầu tư xây dựng, hàng loạt các con đường nối thông qua biên giới hai nước như đường số 6A, 6B, 7B, 8B, 9, 9B, 12, 18B, 2E... đã được nâng cấp hoặc mở rộng bằng các nguồn vốn vay ưu đãi của Việt Nam. Đây là những dự án tiêu biểu nhằm tạo thuận lợi vận tải, thúc đẩy thông thương giữa hai nước, mở đường cho hàng hóa của bạn thông qua các cảng biển Việt Nam xuất khẩu đi các nước.
Trong thời gian qua, hai bên đã ký và triển khai có hiệu quả nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có việc ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam và Lào chủ động trong việc quy hoạch kết nối giao thông vận tải với các nước và trong khu vực.
Điều này bảo đảm việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải theo hướng bền vững, hiện đại; kết nối các phương thức vận tải tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của hai nước đồng thời phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm của Lào trong việc kết nối giao thông vận tải đường bộ với các nước trong khu vực và tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với hệ thống giao thông vận tải quốc tế, tạo điều kiện để thúc đẩy thương mại.
Về kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, Việt Nam và Lào đã xác định các dự án ưu tiên kết nối giao thông giữa hai nước và hiện nay đang phối hợp và hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi các dự án như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội-Vientiane, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Phouthipheung đi Naxon, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 18B, tỉnh Attapeu.
Vận tải đường bộ là phương thức kết nối chính giữa hai nước đã được hai bên chú trọng bằng việc ký Hiệp định và Nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải đường bộ qua lại giữa hai nước.
Hiện nay phía Việt Nam đã tổ chức được 55 tuyến vận tải hành khách cố định liên vận do 50 đơn vị vận tải thực hiện với 280 xe ô tô đang khai thác trên tuyến, các đơn vị vận tải đã thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, thay thế ô tô cũ bằng ô tô mới chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai nước và khách du lịch quốc tế.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng không làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa giữa hai nước thông qua cơ chế đổi tài xế, hạ tải tại cửa khẩu quốc tế giữa hai nước. Sau khi hai nước mở cửa trở lại thích ứng với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách qua biên giới giữa hai nước đã được nối lại như trước khi có dịch bệnh.
Trong lĩnh vực hàng không, sự hợp tác giữa hai hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Lào đã giúp vận tải hàng không giữa hai nước trở nên thuận tiện với các chuyến bay thường lệ Hà Nội-Vientiane-TPHCM, Hà Nội-Luang Prabang, Hà Nội-Pakse và ngược lại, với tần suất 2 chuyến mỗi ngày. Hiện nay, các hãng hàng không hai nước đã bắt đầu khai thác lại các đường bay này với tần suất như trước khi dịch COVID-19 diễn ra với 14 chuyến/tuần.
Các cảng biển Việt Nam nằm trên những trục chính kết nối Việt Nam-Lào như Vũng Áng, Tiên Sa, Cửa Lò cũng được đầu tư và dành cho bạn Lào ưu tiên sử dụng, giúp hàng hóa của Lào xuất nhập khẩu thuận lợi. Để hàng hóa, dịch vụ của Lào có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Canada, Australia, … và đa dạng hóa đối tác, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam.
Nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu khai thác cảng biển Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của nước bạn Lào, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu và lập đề xuất chủ trương đầu tư 5 tuyến quốc lộ nối liền các cửa khẩu quốc tế từ Lào đến cảng biển Việt Nam.
Hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu
Đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đang lập đề xuất chủ trương đầu tư 5 tuyến quốc lộ kết nối với Lào bao gồm: Tuyến quốc lộ 279 từ TP. Điện Biên đến của khẩu quốc tế Tây Trang; tuyến quốc lộ 217 từ quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh (để hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến QL217 từ QL1 đến cửa khẩu quốc tế Na Mèo); tuyến Quốc lộ 12C và 12A (đoạn Khe Ve-Cha Lo) để kết nối từ cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo; tuyến Quốc lộ 15D kết nối đến cửa khẩu quốc tế La Lay.
Các tuyến quốc lộ này sau khi được nâng cấp mở rộng sẽ nâng cao được khả năng vận chuyển, rút ngắn thời gian hành trình, giảm được chi phí vận chuyển, góp phần hạn chế khí thải, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội cho các vùng có tuyến đường đi qua cũng như phát triển kinh tế của nước bạn Lào. Dự án đang được sự quan tâm rất lớn của các tổ chức, doanh nghiệp Lào cũng như Việt Nam và sự ủng hộ của Ngân hàng Thế giới thể hiện nhu cầu đầu tư là rất cấp bách.
Đối với tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã đưa dự án này vào quy hoạch ngành đường sắt và thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện thỏa thuận nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam thống nhất với đối tác phía Lào các nội dung như: Tiêu chuẩn kỹ thuật chung của dự án, điểm nối ray và các nội dung liên quan khác; tiếp tục thúc đẩy để hai nước phê duyệt dự án trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh các dự án về phát triển kết cấu hạ tầng, trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải thường xuyên hỗ trợ nước bạn về đào tạo cán bộ về chuyên ngành kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải cũng đã gặp gỡ giao ban thường niên. Việc trao đổi đoàn diễn ra thường xuyên giữa đơn vị chuyên ngành trực thuộc hai Bộ với phương châm giải quyết công việc nhanh chóng, phù hợp với lợi ích của hai nước.
Hai bên luôn tham vấn lẫn nhau trên cả diễn đàn song phương cũng như đa phương như trên các diễn đàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), hợp tác 4 nước Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam (CLMV), hợp tác 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Tổ chức hợp tác chiến lược 3 dòng sông (ACMECS).
Để tiếp tục phát triển hợp tác giao thông vận tải đi vào chiều sâu và thực chất, xây dựng mối quan hệ bền vững, trong thời gian tới đây, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công chính và Vận tải Lào và các cơ quan đơn vị của Việt Nam hợp tác đầu tư phát triển cảng Vũng Áng; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Lào kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm khác (Dự án cải tạo nâng cấp đường 18B, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Phouthipheung đi Naxon).
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công trình và Vận tải Lào và các bộ, ngành và địa phương liên quan của nước bạn trong đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với bạn Lào trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa; phối hợp với phía Lào khảo sát đánh giá lại các tuyến vận tải liên vận; xem xét sửa đổi, cập nhật các Hiệp định và Nghị định thư liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải qua biên giới giữa Việt Nam-Lào.
Thực hiện thành công những dự án và chương trình hợp tác này chính là thể hiện vai trò "Đi trước mở đường" của ngành giao thông vận tải hai nước nhằm tạo dựng hạ tầng tốt, chất lượng cao, tốc độ cao cũng như xây dựng chính sách vận tải tốt, tăng cường kết nối hạ tầng, vận tải hai nước.
Thông qua đó, vận tải hàng hóa cũng như luân chuyển hàng hóa qua Lào đến các nước trong khu vực được thuận tiện hơn. Lào giữ vị trí địa lý trung tâm Tiểu vùng Mekong mở rộng, có thể kết nối giao thông vận tải đường bộ với các nước trong khu vực, cộng với tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với hệ thống giao thông vận tải quốc tế, chính vì thế, chúng ta có thể nói "giúp bạn cũng chính là giúp mình".
Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi qua Lào sẽ mang lại cơ hội lớn để hai nước phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy thương mại; đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào./.
Lê Đình Thọ
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải