Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các Bộ trưởng dự Hội nghị. Ảnh: QĐND |
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước ta tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị ADMM Retreat lần này, các bộ trưởng đã tập trung tổng kết những hoạt động trong một năm của khối ASEAN, trao đổi các quan điểm về an ninh trong khu vực, định hướng các hoạt động của khối ASEAN trong năm 2015, đồng thời chứng kiến lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM giữa Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia.
Hội nghị ADMM Retreat với tinh thần đồng thuận và tích cực ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, các Bộ trưởng đã nhất trí đánh giá năm 2014, ASEAN nói chung và ADMM nói riêng đã có nhiều hoạt động tích cực.
Trong năm qua, mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN đã góp phần vào duy trì, ổn định trong khu vực. Sự hợp tác đã đi vào các mục tiêu, nội dung, chương trình, cụ thể trên các lĩnh vực chống cướp biển, chống khủng bố, hợp tác về phòng tránh thiên tai, đặc biệt các cuộc diễn tập không còn chỉ thực hiện trên sa bàn mà đã tiến tới diễn tập trên thực địa.
Các nước ASEAN đã và đang thực hiện lập đường dây nóng giữa các Bộ trưởng Quốc phòng mục đích là để chia sẻ thông tin giúp cho việc bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực ngày càng tốt hơn.
Quan tâm đến an ninh trên Biển Đông
Vấn đề an ninh, an toàn trên Biển Đông cũng được Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN quan tâm.
Hiện nay, những thách thức về an ninh phi truyền thống, an ninh an toàn hàng hải đang là những vấn đề được đặt ra đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trong năm qua đã nỗ lực tìm mọi giải pháp tham vấn, đối thoại với các nước đối tác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước lớn khác ngoài khu vực nhưng có lợi ích chung, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng thống nhất phải nỗ lực tìm mọi biện pháp và hết sức kiềm chế không để xảy ra xung đột, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó có điều 5 của DOC đó là giữ nguyên hiện trạng, cấu trúc trên biển, một mặt nỗ lực cùng Trung Quốc phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Hợp tác quốc phòng hướng tới hòa bình, thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN
Những năm gần đây, vấn đề an ninh, quốc phòng luôn là vấn đề nóng trong khu vực và trên thế giới, vì vậy chủ đề “Hợp tác quốc phòng hướng tới hòa bình, thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN” do Myanmar lựa chọn thực sự phù hợp với nguyện vọng chung của các nước.
Năm 2014, các nước ASEAN đã tích cực hợp tác cả về kinh tế và quốc phòng. Các nước đã cử đoàn tham dự vào các hoạt động của nhau, tạo nên sự thân thiện, gần gũi, xây dựng tình đoàn kết trong khối. Trong giải quyết các vấn đề đa phương, các nước trong khối đã có sự tham vấn để tìm tiếng nói chung.
Các nước đã nỗ lực ủng hộ các hoạt động chung của khối góp phần xây dựng khối ASEAN ngày càng phát triển năng động và thịnh vượng. Trong hợp tác về quốc phòng, các nước cũng tăng cường hoạt động đa phương, song phương. Nhiều hoạt động đạt hiệu quả thiết thực, vừa tạo niềm tin, vừa giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong khu vực.
Trong năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động đa phương, song phương của ASEAN và đưa ra những đề xuất, sáng kiến được ASEAN ghi nhận như: Cam kết không sử dụng vũ lực trước để duy trì hòa bình ổn định.
Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức giải bắn súng quân dụng Lục quân-quân đội các nước ASEAN lần thứ 24 (AARM-24); chuẩn bị hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 15 (ACAMM-15) và hội nghị Hạ sĩ quan các nước ASEAN lần thứ 4 (ASMAM-4) tại Hà Nội là những hoạt động tạo sự gắn kết giữa quân đội các nước trong khối ASEAN.
Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN-Nhật Bản
Chiều cùng ngày, cũng tại Bagan, lần đầu tiên đã diễn ra Hội nghị không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
Hội nghị là biểu hiện sinh động trong nỗ lực hiện thực hóa “Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ ASEAN - Nhật Bản hữu nghị và hợp tác” được ký kết giữa ASEAN và Nhật Bản tháng 12-2013.
Trong hội nghị này, Nhật Bản mong muốn có cơ chế hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa, cụ thể là có Đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng hằng năm giữa các nước ASEAN và Nhật Bản.
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thống nhất giao cho các cấp chuẩn bị ý kiến để đề xuất cho phù hợp. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mong muốn Nhật Bản với nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, có nền khoa học công nghệ phát triển sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược của khối và có những đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng không, hàng hải trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á vì lợi ích chung.
Những năm qua, ASEAN đã và đang chứng tỏ là yếu tố hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động. Việc đoàn kết chung tay xây dựng lòng tin, tạo sức mạnh tổng hợp của ASEAN với các quốc gia liên quan mà Nhật Bản là một đối tác quan trọng là rất cần thiết để bảo đảm khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung thực sự hòa bình, ổn định và phát triển.
Hiện nay, châu Á-Thái Bình Dương đang củng cố cấu trúc an ninh đa dạng, nhiều tầng nấc. Cơ chế Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS); Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Cơ chế hợp tác ADMM, ADMM … đã chứng tỏ sức hấp dẫn và thu hút sự hợp tác của các nước trong và ngoài khu vực, góp phần thúc đẩy ASEAN thành khu vực phát triển năng động.
Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, vì vậy việc thiết lập, củng cố các kênh tham vấn đối thoại ASEAN-Nhật Bản, nhất là đối thoại không chính thức để tham vấn lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết về chính sách cũng như ưu tiên của nhau là rất quan trọng.
Về phía Việt Nam, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản vì mục tiêu nâng cao hiểu biết lẫn nhau, hoàn thiện các cơ chế hợp tác sẵn có; tăng cường sự minh bạch xây dựng lòng tin, tiếp tục hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước nói riêng và trong khu vực nói chung”.
*Cũng trong ngày 19/11, bên lề hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có buổi tiếp xúc song phương với Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Thái Lan; ông Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia và Thượng tướng Sengnuon Saynhalat, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHDCND Lào.
Trong buổi tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHDCND Lào, Đại tướng Phùng Quang Thanh một lần nữa khẳng định tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào. Đại tướng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng với tinh thần coi công việc của bạn như công việc của mình, tích cực giúp bạn để bạn có thể hoàn thành cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2016.
Hai bộ trưởng đều khẳng định, sẽ tích cực làm mọi việc để tiếp tục xây dựng tình đoàn kết hai nước Việt Nam-Lào “mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững”.
(theo QĐND)