Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia (CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào Tam giác phát triển CLV.
Mục tiêu của việc hình thành Tam giác phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Hợp tác CLV tập trung vào các lĩnh vực: An ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…
Về cơ chế hoạt động, bên cạnh các Hội nghị Cấp cao, ba nước đã nhất trí thành lập Uỷ ban điều phối chung Tam giác phát triển (với bốn tiểu ban: Kinh tế, xã hội-môi trường, địa phương, an ninh-đối ngoại). Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Uỷ ban và uỷ viên Uỷ ban điều phối gồm đại diện các bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Tam giác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam giữ vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban.
Tại các Hội nghị cấp cao CLV gần đây, ba nước đã nhất trí nhiều cơ chế, nội dung hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Hội nghị cấp cao CLV 8 (11/2014, Vientiane) đã nhất trí một số nội dung hợp tác quan trọng như ủng hộ đề xuất của Việt Nam về mở rộng quy mô hợp tác Tam giác phát triển CLV thông qua tăng cường kết nối ba nền kinh tế (không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới) trên các lĩnh vực như giao thông, viễn thông, điện lực, du lịch, ngân hàng…
Hội nghị cấp cao CLV 9 (11/2016, Siam Reap) đã tập trung rà soát tình hình triển khai các quyết định của Hội nghị cấp cao CLV 8 (10/2014) và trao đổi về định hướng hợp tác trong thời gian tới về kết nối ba nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp cao su, du lịch, hợp tác môi trường. Hội nghị cũng giao Ủy ban điều phối chung hoàn thành “Kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030” trong năm 2017.
Theo thông báo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng ban tổ chức Hội nghị cấp cao CLV 10 tại cuộc họp báo quốc tế ngày 15/3 vừa qua, Hội nghị cấp cao CLV10 sẽ rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về Phát triển kinh tế xã hội Khu vực CLV giai đoạn 2010-2020”; thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường kết nối kinh tế giữa ba nước.
Điểm sáng viễn thông-công nghệ thông tin
Thực hiện những thoả thuận đã đạt được tại các Hội nghị cấp cao CLV, Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel là doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đến nay, Viettel là doanh nghiệp duy nhất có hệ thống hạ tầng mạng 4G hoàn chỉnh ở cả 3 quốc gia.
Đây chính là nền tảng để Viettel triển khai hàng loạt dự án 4.0 trên nhiều lĩnh vực: Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh… nhằm phổ cập dịch vụ viễn thông; xây dựng hạ tầng viễn thông bền vững; tạo ra nền tảng để đưa viễn thông-công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực cuộc sống … Từ đó đóng góp cụ thể cho việc tăng cường kết nối để phát triển cho 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam.
Tại Việt Nam, Viettel đang thực hiện nhiều các dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước. Viettel cũng đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. Xây dựng phần mềm cho chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình Internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được tập đoàn cung cấp hạ tầng Internet miễn phí. Viettel hiện đang xây dựng thành phố thông minh, dự án quản lý xã hội bằng CNTT tại TPHCM, Hà Nội...
Tại Lào, kể từ năm 2017, Unitel đã bắt tay cùng các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tại Lào triển khai 6 dự án xã hội thông minh với tổng trị giá 1,8 triệu USD. Tháng 3/2018, Unitel đã hoàn tất việc bàn giao Dự án xã hội thông minh đầu tiên tại Lào là Hệ thống phần mềm Quản lý Công dân Lào tại 3 tỉnh Vientiane, Luang Prabang và Champasack.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, Công ty cũng đã được các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tại Lào tin tưởng chọn làm đối tác thực hiện 4 dự án CNTT quan trọng như Hệ thống RTGS (Real Time Gross Settlement) và Core Banking (Ngân hàng Trung ương Lào); Dịch vụ Internet và Kênh truyền (Bộ An ninh); Hệ thống thanh toán tiền nước trực tuyến (Công ty Nước Vientiane).
Tại Campuchia, từ tháng 7/2017, Công ty Viettel Cambodia và Viện Quốc gia về Bưu chính, Viễn thông và CNTT thuộc Bộ Bưu chính viễn thông đã ký kết thoả thuận hợp tác xây dựng và phát triển dự án chính phủ điện tử cho đất nước này, đánh dấu sự thay đổi mang tính lịch sử trong cuộc đưa CNTT vào các hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Trước đó, Viettel Campuchia đã chủ động làm việc cùng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia về việc xây dựng và triển khai dự án Chính phủ Điện tử, tập trung vào việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các dự án chính phủ điện tử, tăng cường an ninh mạng và thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT và viễn thông.
Đánh giá về sự đóng góp của mạng di động Metfone mà Viettel đầu tư, Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An ghi nhận: “Metfone đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, cầu truyền hình, hỗ trợ quân đội hoàng gia Campuchia xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng. Đối với người dân các nước đến đầu tư nói chung và Campuchia nói riêng, Metfone không chỉ mang lại cơ hội phổ cập viễn thông cho mọi tầng lớp xã hội, mà còn tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm có thu nhập ổn định, trực tiếp góp phần vào ổn định an sinh xã hội”.