Ông Nguyễn Hữu Đức, chủ nhiệm HTX rau an toàn phường Trảng Dài cho biết, lúc mới thành lập năm 2007 với 15 xã viên canh tác trên diện tích 6 ha rau đạt doanh thu mỗi tháng khoảng 75 triệu đồng, bình quân mỗi xã viên đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng mà sản lượng rau vẫn không đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung tâm khuyến nông Đồng Nai đã hỗ trợ HTX đầu tư hơn 32 triệu đồng xây dựng 14 mô hình nhà lưới, 3 hệ thống phun nước tự động từ giếng khoan; được Chi cục bảo vệ thực vật Đồng Nai hỗ trợ 2 mô hình sử dụng thuốc vi sinh trên cây rau an toàn và Công ty Phân bón Đồng Nai bán trả chậm 14 tấn phân hữu cơ vi sinh. Ngoài ra HTX còn đầu tư xây dựng xưởng sơ chế rau quả bằng khí ô zôn trên diện tích 75 m2 và mua một máy máy tạo khí ô zôn để phục vụ sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Trung bình mỗi tháng HTX đã cung ứng cho thị trường 60 tấn rau, chủ yếu là rau ăn lá, trong đó 3/4 lượng rau của HTX xuất bán cho hệ thống siêu thị Big C ở thành phố Biên Hòa và siêu thị Coop Mart của thành phố Hồ Chí Minh; 1/4 lượng rau còn lại bán cho các chợ đầu mối ở thành phố Biên Hòa để cung ứng cho các nhà bếp trong các khu công nghiệp. Trong những năm qua, HTX luôn thực hiện nghiêm 5 điều cấm: cấm dùng phân tươi, cấm dùng nước tưới bẩn, cấm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cấm dùng thuốc ngoài danh mục, thuốc có nồng độ cao và cấm thu hoạch rau trong thời gian cách ly thuốc.
Đồng Nai hiện có khoảng 13.000 ha rau các loại, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng hơn 100 ngàn tấn rau, trong đó huyện Xuân Lộc có diện tích trồng rau lớn nhất khoảng 3.000 ha, TP. Biên Hòa gần 2.300 ha và huyện Tân Phú khoảng 1.600 ha.... Sau nhiều năm triển khai thí điểm sản xuất rau an toàn, Đồng Nai có 30 câu lạc bộ và HTX sản xuất rau an toàn với tổng diện tích gieo trồng gần 4.000 ha được trồng tập trung ở thành phố Biên Hòa, huyện Xuân Lộc, Tân Phú và Nhơn Trạch... nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu thụ rau trên thị trường.
Tuy nhiên, do thiếu mối liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên không ít nhà vườn trồng rau an toàn thua lỗ. Nhiều người tiêu dùng cho biết, nếu muốn rau sạch được nhiều người sử dụng thì các vùng trồng rau, củ, quả phải có mối liên kết chặt chẽ để sản xuất ra các sản phẩm phong phú về chủng loại và nhiều về số lượng. Ngoài ra, các vùng sản xuất rau sạch cũng cần mở rộng quảng cáo trên nhiều phương tiện để thu hút người tiêu dùng đến với sản phẩm của mình. Các trung tâm buôn bán đông người, các chợ lớn nên có những cửa hàng hoặc quầy hàng bán rau, củ, quả sạch, mỗi sản phẩm khi bán ra đều có bao bì ghi rõ nơi sản xuất, đồng thời các cửa hàng rau sạch phải nằm ở vị trí dễ thấy và thuận tiện cho người mua. Bên cạnh đó, vấn đề giá cả cũng phần nào quyết định đầu ra, bởi rau an toàn thường có giá đắt hơn rau thường trên thị trường. Nhưng dù sao, xu thế của người tiêu dùng hiện nay càng ngày càng hướng về rau sạch. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những nhà vườn sản xuất rau an toàn ở Đồng Nai- một tỉnh có dân số hơn 2,4 triệu người và hàng trăm ngàn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Minh Hưng