Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lễ Thướng Tiêu – nghi thức dựng cây nêu trước Hoàng cung Huế, là dấu mốc khởi đầu cho Tết Nguyên Đán, báo hiệu một năm cũ sắp khép lại, mùa xuân mới đang gõ cửa.
Ngày nay, nghi lễ này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lại thường niên vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động mừng Xuân phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2024.
Cây nêu cao vút treo ấn tín trên đầu ngọn cây, với dải lụa đỏ tung bay trong gió đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, mang ý nghĩa cầu mong bình an, xua đuổi điều xấu và chào đón một năm mới hanh thông, tốt lành.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, đúng vào ngày đưa ông Táo như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón tết. Hoạt động này cũng tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán tại Cố đô Huế.
Cùng với Lễ Thướng Tiêu, tại Cung Trường Sanh, Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức chương trình "Phong vị Tết Huế".
Phong vị Tết Huế bao gồm các âm điệu ca Huế, các ca khúc Huế và mùa Xuân, các trò chơi cung đình và dân gian, trình diễn thư pháp tặng chữ, gói bánh chưng, bánh tét, chế biến bánh cùng các món ẩm thực truyền thống...
Tại đây, du khách còn được trải nghiệm nghi thức rước bánh cung tiến các vị hoàng đế ở Thế Miếu. Đội nghi thức trong những trang phục trang nghiêm sẽ tập hợp thành một đoàn rước, phô diễn vẻ đẹp truyền thống qua các trục đường trong Hoàng Thành để đến cửa chính Thế Miếu, cung tiến hương vị đầu xuân, tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng các vị tiên đế.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vào thời Nguyễn, Tết trong Hoàng cung Huế được tổ chức rất long trọng với nhiều nghi lễ như lễ Ban sóc (phát lịch) tổ chức từ ngày mồng 1 tháng 12 (âm lịch), lễ Tiến xuân có ý nghĩa khuyên răn công việc đồng án tổ chức vào tiết lập xuân.
Từ ngày 23 tháng Chạp, triều đình tổ chức lễ "Thướng tiêu" tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Vào ngày mồng một Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, bá quan làm lễ khánh hạ, sau đó là lễ Nguyên đán rồi ban yến tiệc rồi thưởng tiền mừng xuân. Sau đó là lễ dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái Hậu và làm lễ Khánh hạ.
Tiếp đó là những ngày thăm hỏi, chúc tụng... diễn ra trong Hoàng cung. Đi kèm với các cuộc vui các là trò diễn, trò giải trí cung đình được tổ chức. Đến ngày 7 tháng Giêng, lễ Hạ Tiêu (Hạ Nêu) sẽ diễn ra, báo hiệu một cái Tết đã kết thúc.
NA