Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định bao gồm văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động, giấy chứng nhận sức khỏe, văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật...
Trong đó, riêng về văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật, Thông tư 03 hướng dẫn cụ thể, đối với người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành thì phải có một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành gồm: giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm có xác định người lao động nước ngoài đó đã làm việc ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành. Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động nước ngoài đó đã từng làm việc xác nhận.
Còn đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia thì phải có một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh là người lao động nước ngoài có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam. Văn bản xác nhận là chuyên gia do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp tại nước ngoài công nhận.
Đối với người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật thì phải có các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp tại nước ngoài về việc đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật với thời gian ít nhất 1 năm. Giấy tờ chứng minh đã có ít nhất 3 năm làm việc trong chuyên ngành kỹ thuật được đào tạo phù hợp với vị trí công việc dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam.
2 trường hợp cấp lại giấy phép lao động
Ngoài hướng dẫn về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thông tư 03 cũng quy định 2 trường hợp cấp lại giấy phép lao động gồm: 1- Giấy phép lao động bị mất, bị hỏng; 2- Thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động đã cấp: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số hộ chiếu; địa điểm làm việc.
Thông tư cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về việc tuyển và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/3/2014.
Thanh My