• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hướng dẫn Luật số 68: Xây dựng cơ chế mới cho doanh nghiệp Nhà nước

(Chinhphu.vn) - Ba dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, nhằm kịp thời khơi thông nguồn lực, tăng quyền chủ động và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

09/07/2025 17:31
Hướng dẫn Luật số 68: Xây dựng cơ chế mới cho doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Ngày 9/7, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với ba dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15).

 Tăng quyền cho DN, giảm can thiệp hành chính

 Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Luật số 68 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025, ban đầu dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc và phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, Chính phủ đã quyết định đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của luật lên ngày 1/8/2025.

Luật số 68 được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với cách tiếp cận đổi mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp. Luật phân định rạch ròi chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn; tăng cường phân cấp, trao quyền quyết định đầu tư cho doanh nghiệp; đồng thời xác định rõ vai trò của Nhà nước là nhà đầu tư với quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các chủ thể khác trên thị trường.

Một điểm mới đáng chú ý là việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước, qua đó giảm thiểu sự can thiệp hành chính không cần thiết từ phía cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, các chính sách của Luật được xây dựng theo tinh thần tiếp cận mới, phân công rõ ràng và phân cấp mạnh mẽ trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, giúp tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật cũng tách bạch chức năng của cơ quan quản lý với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm sự can thiệp hành chính trực tiếp, tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với trao quyền và trách nhiệm.

Để thực thi Luật một cách đồng bộ, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng 3 trong số 5 nghị định hướng dẫn, gồm: Nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin; và Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Hướng dẫn Luật số 68: Xây dựng cơ chế mới cho doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 2.

Hội thảo Lấy ý kiến của các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) (Luật số 68/2025/QH15) - Ảnh: VGP/HT

Khơi thông vốn, đẩy mạnh phân cấp và minh bạch

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước, dự thảo Nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước quy định rõ các nội dung liên quan đến đầu tư, quản lý và phân phối lợi nhuận. Quyền sử dụng các nguồn lực nội tại được phân cấp mạnh cho hội đồng thành viên, chủ tịch công ty và người đại diện phần vốn Nhà nước. Dự thảo cũng đơn giản hóa thủ tục quyết định đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo quy định rõ về xác định lại vốn điều lệ, huy động vốn, cho vay, chuyển nhượng vốn và phân phối lợi nhuận, theo hướng minh bạch và rõ ràng hơn.

Trong khi đó, dự thảo Nghị định về giám sát và công khai thông tin được xây dựng theo mô hình phân tầng kiểm tra ba cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và kiểm soát nội bộ doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ trực tiếp giám sát ba nội dung cốt lõi: đầu tư vốn, quản lý vốn và cơ cấu lại vốn Nhà nước.

Một số quy định mới được bổ sung nhằm khắc phục các hạn chế trong giám sát như: đánh giá kết quả hoạt động doanh nghiệp bằng chỉ tiêu định lượng; phân loại đánh giá người đại diện phần vốn Nhà nước theo bốn mức độ; bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu trong dự báo thị trường.

Ngoài ra, các dấu hiệu mất an toàn tài chính theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP được bổ sung hai tiêu chí mới: dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hai năm liên tiếp và ý kiến kiểm toán ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Thúc đẩy cổ phần hóa, tháo gỡ nút thắt sử dụng đất

Về cơ cấu lại vốn Nhà nước, dự thảo nghị định tương ứng gồm 8 chương, 100 điều và 3 phụ lục. Một điểm nghẽn lớn trong cổ phần hóa là phương án sử dụng đất, cũng được điều chỉnh đáng kể. Theo đó, phương án sử dụng đất không còn là điều kiện kèm theo khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp sẽ tự xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau chuyển đổi, tuân thủ Luật Đất đai mà không cần phê duyệt từ cơ quan chủ quản hay lấy ý kiến địa phương.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất nhiều quy định mới nhằm xử lý tồn đọng trong chuyển nhượng dự án, tài sản, vốn; thực hiện các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; cũng như cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê khi cổ phần hóa.

Tại hội thảo, đại diện các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tổ chức tín dụng bày tỏ sự đồng tình với định hướng đổi mới, đồng thời góp ý cụ thể cho từng nội dung trong các dự thảo. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ ban hành theo trình tự rút gọn.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết thêm, cùng với việc triển khai Luật và các nghị định hướng dẫn, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế Nhà nước, trong đó doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò nòng cốt. Với khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thực tiễn và đầy đủ, kỳ vọng doanh nghiệp nhà nước sẽ phát triển bền vững, đảm đương nhiệm vụ chính trị và đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Anh Minh