
Để thực thi nội dung phương án đơn giản hóa theo yêu cầu của Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ; thể chế hóa kết quả rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo Đề án 30 của Chính phủ nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu giấy tờ, thời gian hoặc các bước thủ tục không cần thiết và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư 79/2009/TT-BTC, đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, kích thích sản xuất trong nước, kiềm chế nhập siêu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thay thế Thông tư 79/2009/TT-BTC.
Thông tư này là văn bản hướng dẫn bao quát, tổng hợp các mảng nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh trên cơ sở quy định hiện hành nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể một số nội dung mới của Thông tư 194 được thể hiện trên nguyên tắc quản lý rủi ro, đồng thời để kiểm soát tốt hơn hàng hóa thuộc diện được miễn kiểm tra, Thông tư 194 đã sửa Khoản 3 Điểu 3 Thông tư 79 theo hướng quy định rõ hơn việc phân loại hàng hóa để kiểm tra thực tế.
Cũng tại Thông tư 194/2010/TT-BTC, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ hải quan; Về việc xác nhận thực xuất; Về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất (DNCX); Về địa điểm thu gom hàng lẻ; Về việc quản lý đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả đi thuê) để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất. Theo đó, mục đích của việc xác nhận thực xuất là xác định hàng hóa đã thực xuất khẩu để làm cơ sở thực hiện các thủ tục quản lý tiếp theo đối với hàng xuất khẩu như thanh khoản tờ khai hải quan đối với hàng gia công XNK và hàng SXXK, hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng... Theo Thông tư 79 thì việc xác nhận thực xuất do Hải quan cửa khẩu xuất thực hiện. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xuất khẩu thì chưa có ngay vận đơn (B/L) để xuất trình. Thường sau khi xếp hàng lên tàu 3 - 4 ngày, doanh nghiệp mới nhận được B/L nên phải đi lại nhiều lần mới thực hiện được xác nhận thực xuất.
Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoàn thuế, giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, Thông tư 194 quy định tại Điều 26 không quy định thủ tục xác nhận thực xuất mà quy định các căn cứ để xác định hàng hóa đã xuất khẩu. Việc xem xét, xác định hàng hóa đã thực xuất khẩu được thực hiện tại khâu thanh khoản, hoàn thuế trên cơ sở các căn cứ này.
Đồng thời để bảo đảm yếu tố quản lý đồng thời cũng để phù hợp với quy định tại Nghị định 87/2010/NĐ-CP, Thông tư 194 đã bổ sung vào điều 48 quy định về trách nhiệm của người khai hải quan: thông báo về thời hạn còn lại sử dụng máy móc thiết bị tạm nhập/tạm xuất để cơ quan hải quan theo dõi. Hết thời hạn tạm nhập/tạm xuất người khai hải quan phải thực hiện ngay việc tái xuất/tái nhập và thanh khoản hồ sơ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập/tạm xuất; trường hợp quá thời hạn tạm nhập/tạm xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất/tái nhập thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung một số điểm cụ thể về thủ tục đối với linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; Về thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập để tái chế; Về kho ngoại quan; Về thủ tục chuyển cửa khẩu; Về việc thành lập địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở nội địa; Về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải. Do đó, theo quy định tại điểm b.1 khoản 1 Điều 49 Thông tư 79, linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài phải khai trên tờ khai phi mậu dịch, thời hạn ân hạn thuế như đối với các loại hàng hóa khác, khi tái xuất mới được hoàn thuế. Quy định này gây bất tiện cho chủ tàu vì thực tế các thiết bị này sẽ được xuất khẩu cùng tàu biển, tàu bay nước ngoài.
Thông tư 194 đã sửa đổi bổ sung theo hướng: Thủ tục hải quan và chính sách thuế thực hiện theo quy định tại Điều 73 và Điều 101 Thông tư này. Theo đó đối tượng này thuộc trường hợp miễn thuế. Phải thực hiện thủ tục thanh khoản tại Chi cục Hải quan nơi tạm nhập.
Một số doanh nghiệp, Hiệp hội có ý kiến cho rằng thời gian nêu trên là quá ngắn, chưa đủ để thực hiện việc tái chế. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thông tư 194 đã sửa điểm c khoản 4 Điều 51, quy định kéo dài thời hạn tái chế không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập.
Để hạn chế nhập siêu, Thông tư 194 quy định không cho hàng tiêu dùng đã gửi kho ngoại quan được nhập khẩu vào nội địa.
Thực thi nội dung phương án đơn giản hóa theo yêu cầu của Nghị quyết 25, Thông tư 194 đã bổ sung quy định về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với thủ tục này.
Về việc giám sát hải quan đối với hàng chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về khu phi thuế quan và ngược lại. Đối với khu phi thuế quan có đặc thù là khu vực ưu đãi thuế quan nên việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ cửa khẩu nhập về khu phi thuế quan và ngược lại cần được giám sát để bảo đảm hàng hóa không bị thẩm lậu vào nội địa trong quá trình vận chuyển.
Thông tư đã bổ sung vào khoản 7 điều 57 nội dung: hàng hóa nhập khẩu từ cửa khẩu nhập về khu phi thuế quan, hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra cửa khẩu xuất và hàng hóa mua bán, trao đổi giữa các khu phi thuế quan với nhau phải niêm phong hải quan. Trường hợp hàng hóa không phải niêm phong hải quan thì người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa trong quá trình vận chuyển về địa điểm đăng ký trong đơn đề nghị chuyển cửa khẩu
Về quản lý thuế: Để giải quyết các vướng mắc, trong quá trình thực hiện Thông tư 49/2010/TT-BTC, Thông tư 194 đã bổ sung 2 điều hướng dẫn cụ thể về phân loại đối với máy móc, thiết bị thuộc chương 84, 85 và phân loại hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời theo quy tắc 2a và quy định tỷ giá tính thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Về địa điểm đăng ký danh mục hàng hóa miễn thuế: Khoản 3, Điều 103 Thông tư 194 sửa đổi quy định về địa điểm đăng ký Danh mục hàng hóa miễn thuế, không quy định cứng như hiện nay mà tùy địa phương lựa chọn đơn vị nào có đủ năng lực thì giao việc tiếp nhận đăng ký Danh mục cho đơn vị đó nhưng trừ Cục Hải quan liên tỉnh được giao cho nhiều nơi thì một Cục HQ chỉ được lựa chọn 01 nơi. Trường hợp Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý Hải quan đối với một số tỉnh thì ngoài đơn vị đăng ký Danh mục nêu trên, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét quyết định giao Chi Cục Hải quan quản lý hải quan trên địa bàn tỉnh nơi có dự án đầu tư thực hiện đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đối với các dự án thuộc địa bàn tỉnh đó.
Về thanh tra thuế: Theo Quyết định số 1014/QĐ-BTC ngày 11/5/2010 của Bộ Tài chính thì thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (thanh tra thuế) được giao đơn vị Thanh tra. Do đó, dự thảo bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định xác minh trong KTSTQ, thanh tra thuế (khoản 2 Điều 145) bao gồm: Trưởng phòng Thanh tra, Chánh thanh tra Tổng cục Hải quan.
Về việc phân công thực hiện sau khi có kết luận kiểm tra sau thông quan (Cục KTSTQ), thanh tra thuế: Thực tế cho thấy việc chuyển giao số liệu, tài liệu rất phức tạp, dễ sai sót. Cục KTSTQ đã có tài khoản chuyên thu riêng hoàn toàn đáp ứng việc thu thuế. Cục KTSTQ đã truy cập chương trình KT559 hoàn toàn có thể theo dõi nợ thuế, tính phạt chậm nộp và cưỡng chế như một Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Thông tư đã sửa theo hướng tách riêng việc xử lý kết quả KTSTQ và Thanh tra thuế. Đối với trường hợp Tổng cục Hải quan kiểm tra sau thông quan thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định ấn định thuế, Cục Kiểm tra sau thông quan sẽ thực hiện các công việc còn lại: ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính (nếu có), theo dõi, đôn đốc, cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện thu thuế, đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế. Đối với trường hợp Tổng cục Hải quan thực hiện thanh tra thuế thì vẫn thực hiện như hướng dẫn trước đây…./.
PV