Hướng đi cho ngành chăn nuôi nhỏ lẻ
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh là xu hướng tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ do ít vốn, thiếu quỹ đất xây chuồng trại, thiếu kiến thức về chăn nuôi nên đa số lệ thuộc vào các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi quy mô lớn về con giống, thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá thành sản phẩm cao, nhiều rủi ro...Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững thì chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ cũng cần được đặc biệt quan tâm và chọn hướng đi phù hợp.
Ngành chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp nhiều bất lợi về phát triển chăn nuôi.
Đồng Nai là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển hàng đầu cả nước với tổng đàn heo khoảng 1,1 triệu con, trong đó chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm tới 60% tổng đàn; tổng đàn gà khoảng trên 9 triệu con, trong đó trên 80% chăn nuôi theo hướng trang trại. Số còn lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nắm giữ. Tuy nhiên có một thực tế đang tồn tại, đó là những người chăn nuôi nhỏ lẻ tạo ra sản phẩm thịt nhưng lại không có tính quyết định về giá. Từ khâu nuôi đến khâu tạo ra sản phẩm đều có sự phân chia lợi nhuận, nhưng phần nhiều lại lệ thuộc vào thương lái, các cơ sở giết mổ và nhà phân phối. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ đã chọn cho mình hướng đi để tồn tại và phát triển.
Trại heo của Chị Nguyễn Thị Lành, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất có quy mô đàn trên 200 con, trong đó có cả heo nái, heo thịt và heo con. Theo chị Lành, khi chăn nuôi theo hình thức này, gia đình chị đã chủ động được con giống khi giá cả heo giống tăng cao, đồng thời chất lượng heo giống cũng được bảo đảm.
Để chủ động con giống, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã tự sản xuất con giống.
Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã đầu tư xây hầm biogas lớn để chạy máy phát điện cung cấp cho hệ thống làm mát chuồng trại và thắp sáng phục vụ sinh hoạt trong gia đình và chuồng trại. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc xây dựng các hầm biogas cũng được khuyến khích, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Những hộ chăn nuôi từ 6-8 con heo thịt trở lên là có thể xây dựng hồm biogas nhỏ. Cách làm này giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm tiền mua gas nấu ăn, chế biến thức ăn cho heo và chất thải đã qua xử lý có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng.
Ngoài cách làm là đầu tư xây dựng hầm biogas, để chọn cho mình hướng đi phù hợp trong điều kiện các công ty lớn thường thuê trang trại chăn nuôi gia công, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã chọn cho mình hướng đi là tự sản xuất con giống, nghĩa là các trang trại sẽ nuôi vừa heo con, heo thịt, heo nái. Con giống tự sản xuất sẽ bảm đảm chất lượng và giá thành thấp hơn so với việc nhập heo giống từ các công ty chăn nuôi.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn tự chế biến thức ăn cho đàn heo của mình bằng những nguyên liệu sẵn có trong nước. Ông Lê Bá Thành, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc chia sẻ: “Với địa phương chuyên về sản xuất nông nghiệp như Xuân Lộc, các nguyên liệu chế biến thức ăn như bắp, mì, đậu tương…rất sẵn, mình học hỏi công thức chế biến thức ăn của các công ty chế biến để tự sản xuất thức ăn cho gia súc nên hạ được giá thành”.
Để giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi theo hướng trang trại, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung với diện tích trên 15.000 ha.
Thanh Cảnh