Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để đạt được Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa, ngày 5/11, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khuyến nghị một số nội dung cụ thể.
Với vai trò một bên tham gia, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị nội dung tốt nhất cho cuộc đàm phán cuối cùng tại Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 24/11 đến 1/12/2024 tại Busan (Hàn Quốc), để tiến tới một thỏa thuận chung toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Khi được thông qua và đi vào thực thi, thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế-xã hội, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa.
Yêu cầu đặt ra với Việt Nam là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam (bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật - nếu có).
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu rác thải nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) nhấn mạnh phiên họp Liên chính phủ lần thứ 5 (INC-5) tới đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam đóng góp thành công vào một thỏa thuận toàn cầu mà còn là dịp để Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực trong "cuộc chiến" chống ô nhiễm nhựa, qua đó trở thành một hình mẫu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Những khuyến nghị đối với Việt Nam
Để hướng tới thoả thuận nhựa toàn cầu về rác thải nhựa tại Busan, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm thiểu rác thải nhựa của WWF-Việt Nam đề xuất 4 yếu tố cần được đưa vào nội dung chương trình đàm phán tại INC-5.
Nội dung đầu tiên theo bà Thúy là quy định loại bỏ nhựa gây hại. Theo đó, WWF-Việt Nam khuyến nghị các quốc gia thống nhất danh sách các sản phẩm nhựa và hóa chất độc hại cần bị cấm và loại bỏ, bắt đầu với các sản phẩm và hóa chất có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.
Thứ hai là Thoả thuận về rác thải nhựa cần đề ra các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm mang tính thống nhất toàn cầu, đảm bảo tính tái sử dụng và tái chế để hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Theo bà Thúy, điều này sẽ tạo ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho các doanh nghiệp và khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực tái chế và tái sử dụng nhựa.
Vấn đề tiếp theo là đảm bảo nguồn tài chính đủ mạnh. Theo bà Thúy, một gói tài chính toàn diện (bao gồm các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cho các quốc gia thu nhập thấp để đảm bảo công bằng và bền vững) là điều kiện tiên quyết để thỏa thuận được triển khai hiệu quả.
"Cuối cùng là cần có cơ chế linh hoạt và lâu dài. Để đối phó với các thách thức không ngừng thay đổi, thỏa thuận cần có cơ chế cập nhật và điều chỉnh các biện pháp dựa trên bằng chứng khoa học mới. Điều này sẽ đảm bảo thỏa thuận không chỉ có hiệu lực tức thì mà còn có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong tương lai," bà Thúy nhấn mạnh.
Tham gia hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho INC-5, ông Vũ Thái Trường - Quyền Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP tại Việt Nam cũng khuyến nghị Việt Nam 4 nội dung cần quan tâm nghiên cứu.
Đầu tiên là các bên liên quan cần hướng tới một thỏa thuận phù hợp và đảm bảo lợi ích quốc gia, trong đó các bên tham gia đàm phán hiệp định phải đảm bảo các nghĩa vụ phù hợp với các ưu tiên và lợi ích quốc gia của Việt Nam (như các cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, kiểm soát các hóa chất đáng quan ngại, hoặc thiết lập các cơ chế thuế và phí hiệu quả).
Tiếp đó, Việt Nam cần xem xét một số các biện pháp đang được đề xuất như lệnh cấm nhựa dùng một lần hoặc hạn chế sản xuất nhựa sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội và môi trường như thế nào; từ đó đảm bảo sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất liên quan đến nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất nhựa với trị giá 25 tỷ USD.
UNDP Việt Nam cũng khuyến nghị Việt Nam cần vận động cho các điều khoản thỏa thuận cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển (bao gồm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương như lực lượng phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghiệp phụ thuộc vào sản xuất nhựa).
Cuối cùng, để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam cần có sự cân nhắc bắt đầu sửa đổi các điều luật liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng như các chính sách thuế và phí.
Thu Cúc