Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Muốn đạt mục tiêu, cần có sự phân tích các khoản thu, phấn đấu, nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 - Ảnh:VGP |
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ và Bộ Tài chính, với quan điểm kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, toàn ngành đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 600 tỷ USD. Đây là sự kiện tiêu biểu của ngành hải quan, Bộ Tài chính nói riêng và của Việt Nam nói chung, góp phần làm cán cân thanh toán phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Về các kết quả nổi bật cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan và đồng đều trên phạm vi cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Đông Nam Bộ.
Trong đó, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cục Hải quan Bắc Ninh đạt kim ngạch cao nhất cả nước với 153,14 tỷ USD (cập nhật từ đầu năm đến hết ngày 15/12), tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa làm thủ tục qua các Cục Hải quan thuộc 19 tỉnh, thành phố phía nam tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 41% tổng kim ngạch cả nước; Cục Hải quan TPHCM đạt 117,76 tỷ USD, tăng 7%; Cục Hải quan Bình Dương đạt 47,61 tỷ USD, tăng 17%; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 35,31 tỷ USD, tăng 25%...
Về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu 315.000 tỷ đồng, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu 335.000 tỷ đồng. Với kết quả thu vừa qua, Tổng cục Hải quan ước tính năm 2021 toàn ngành thu được 370.000 tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán, bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, số thu NSNN năm 2021 tăng là do một số mặt hàng có số thu lớn do giá tăng mạnh làm trị giá nhập khẩu cũng tăng, đồng thời tăng thu ngân sách do giá tăng đối với dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu, khí đốt hóa lỏng nhập khẩu tăng khoảng 7.500 tỷ đồng; sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép nhập khẩu làm tăng khoảng 11.700 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu tăng khoảng 3.900 tỷ đồng; quặng và khoáng sản nhập khẩu tăng thu khoảng 3.000 tỷ đồng; than nhập khẩu tăng thu khoảng 3.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu tăng gấp 1,6 lần làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 14.300 tỷ đồng; nhiều dự án điện mặt trời, điện gió được triển khai làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án khoảng 8.300 tỷ đồng…
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2021 (kỳ báo cáo từ 16/12/2020-15/12/2021), lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.568 vụ, trị giá hàng vi phạm 2.709 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 14.200 vụ, thu nộp ngân sách gần 291 tỷ đồng; khởi tố 39 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 176 vụ…
Hiện đại hóa đồng bộ, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu, ngành hải quan triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, kiểm soát dữ liệu chống thất thu có hiệu quả nhất. Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời thực hiện các nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong bối cảnh năm 2022 còn nhiều thách thức, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu ngành hải quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng tới hải quan số, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Hải quan khẩn trương trình Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa hải quan giai đoạn tới. Hải quan cần tiếp tục phát huy vai trò điều phối triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, nghiên cứu nâng cấp hệ thống quản lý; quyết tâm triển khai xây dựng hệ thống Hải quan số, mô hình hải quan thông minh, tích hợp các hệ thống hiện nay.
Về dự toán giao thu NSNN năm 2022 của Tổng cục Hải quan là 352.000 tỷ đồng, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị phấn đấu ít nhất vượt 5% và không thấp hơn số thực hiện năm 2021 (370.000 tỷ đồng).
“Muốn đạt mục tiêu, cần có sự phân tích về các khoản thu, phấn đấu, nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai lưu ý.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng chỉ đạo ngành hải quan tăng cường hơn nữa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ma túy. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống gian lận xuất xứ; phân tích rủi ro để xây dựng kế hoạch và đấu tranh có trọng điểm tập trung vào địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng có rủi ro cao như phế thải, phế liệu, xăng dầu, khoáng sản, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh…
Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác, chế độ thông tin, báo cáo, tham mưu, xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức phối hợp đấu tranh hiệu quả. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, tiến độ đóng góp vào quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, quy định liên quan.
“Các văn bản, quy định, thông tư, nghị định của ngành tài chính có độ phức tạp nhất định đồng thời phải xin ý kiến, phải họp nhiều lần… đòi hỏi ngành hải quan cần nỗ lực triển khai nhanh hơn nữa, để đạt cho được tiến độ được giao”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Huy Thắng