• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hưởng 'trái ngọt' từ Hiệp định CPTPP

(Chinhphu.vn) - Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2024 ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023.

25/01/2025 16:27
Hưởng 'trái ngọt' từ Hiệp định CPTPP- Ảnh 1.

Hiệp định CPTPP đã mang lại con số tăng trưởng xuất khẩu rất khả quan cho doanh nghiệp da giày

Theo thông tin từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023, chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung... Trong năm 2024, ước tính xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP lên tới 9,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức xuất siêu 4,7 tỷ USD trong năm trước.

Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi CPTPP cao

Từng ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu vào các thị trường trong khối CPTPP đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, năm sau cao hơn năm trước và nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi CPTPP khá cao. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP tại các thị trường khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico và Peru - những nước lần đầu tiên có quan hệ hiệp định thương mại với Việt Nam từ CPTPP.

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Sau 6 năm thực thi, CPTPP được đánh giá là một trong những Hiệp định mang lại hiệu quả cao cho hàng Việt xuất khẩu vào thị trường này.

Cùng với 11 quốc gia thành viên ban đầu, CPTPP chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh kể từ ngày 15/12/2024 cơ hội và thách thức tiếp tục mở ra cho Việt Nam trong năm 2025 cũng như 12 nền kinh tế thành viên của khối thương mại chiếm 15% tổng GDP thế giới và dân số hơn 500 triệu người.

Bộ Công Thương nhận định, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).

Những kết quả này cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Đối với khối thị trường châu Á, châu Phi, theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, sau hơn 5 năm có hiệu lực, Hiệp định CPTPP đã giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á thuộc CPTPP tăng đáng kể. CPTPP cũng là đòn bẩy đẩy hàng hoá Việt Nam ra các thị trường, trong đó một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, New Zealand đã ngay lập tức cắt giảm thuế quan nhập khẩu với nhiều mặt hàng quan trọng như đồ gỗ, nông thuỷ sản. Điều này làm tăng quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP cũng như góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này chủ yếu là nhóm điện thoại và linh kiện; máy móc, phụ tùng; dệt may; da giày; nông sản… Trong đó, năm 2024, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường CPTPP với kim ngạch ước đạt 7,12 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm trước, chiếm 12,8% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu sang thị trường CPTPP.

Đối với nông sản, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường CPTPP đạt 555,8 triệu USD, tăng tới 74,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cà phê cũng đạt mức tăng trưởng 26%; rau quả tăng 20,6%; cao su tăng 118%...

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho biết, Hiệp định CPTPP đã mang lại con số tăng trưởng xuất khẩu rất khả quan cho doanh nghiệp da giày. Nếu như trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đến nay, đã chiếm hơn 14%.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc

Dù xuất khẩu đã có những bước tiến khá mạnh sang thị trường CPTPP, song xuất khẩu sang thị trường này cũng đang phải đối diện với không ít rào cản. Trong đó, xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành sự lựa chọn bắt buộc và yêu cầu mang tầm vóc, quy mô toàn cầu.

Hiện, EVFTA và CPTPP là 2 hiệp định có những yêu cầu cao nhất về bảo vệ môi trường và các quy định này ngày càng trở thành chuẩn mực chung cho các hiệp định khác, trở thành sân chơi quy mô toàn cầu. Những yêu cầu tăng trưởng xanh là tất yếu để bảo vệ con người, đồng thời cũng là dạng công cụ phi thuế quan mà mỗi nước được phép dựng lên với tiêu chuẩn ngày càng cao hơn.

Đơn cử, tại Canada, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin, ngay từ năm 2015, Canada đã đưa mục tiêu sản xuất và tiêu dùng trách nhiệm vào lộ trình phát triển bền vững nhằm sản xuất sử dụng ít tài nguyên hơn, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài chính sách khuyến khích xe điện và các phương tiện không phát thải, Canada khuyến khích tái sản xuất, tái tân trang, tái chế và tái sử dụng. Từ chính phủ đến người dân đều phải có trách nhiệm giảm carbon trong các quy định tiêu dùng.

Các doanh nghiệp Canada cũng có xu hướng thay thế các sản phẩm cùng loại nhập từ xa bằng cách tìm các nguồn cung từ các thị trường gần. Đồng thời, chú trọng tìm kiếm các đối tác nhập khẩu có cùng mối quan tâm, cùng năng lực với mình. Ví dụ da giày, dệt may, nội thất đều phải quan tâm sản xuất xanh, sản xuất sạch, sử dụng vật liệu tái chế…

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện. Trong quá trình doanh nghiệp nỗ lực khai thác và tận dụng các ưu đãi từ CPTTP, nếu gặp phải rào cản hay vướng mắc, các bộ, ngành và địa phương sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Đến nay, chúng ta đã bước đầu hình thành một hệ thống hoạt động cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các FTA nói chung và đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường CPTPP ước đạt 55,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các thị trường thành viên CPTPP ước đạt 46,4 tỷ USD, tăng 2% so với năm trước.

Phan Trang