Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hưou cao cổ đối diện nguy cơ tuyệt chủng |
Có tổng cộng 106 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 7 phiếu trắng. Với kết quả này, hươu cao cổ chính thức vào diện nguy cấp.
Tại hội nghị này, đề xuất đưa hươu cao cổ vào Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các bên. Họ lập luận rằng tất cả 9 phân loài hươu cao cổ trên phạm vi các quốc gia phải được bảo vệ. Mặc dù việc này không cấm tất cả các hoạt động buôn bán quốc tế hươu cao cổ, nhưng sẽ áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt khiến các quốc gia khó mua và bán các bộ phận của loài động vật này.
Ông Philip Muruthi, đại diện Tổ chức động vật hoang dã châu Phi, cho biết số hươu cao cổ toàn cầu đã giảm đến 40% chỉ trong vòng 30 năm qua, xuống chỉ còn 97.500 cá thể. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm hạn hán khắc nghiệt, nạn săn bắn trái phép cũng như môi trường sống ngày càng bị thu hẹp.
Chẳng hạn, chỉ riêng Mỹ đã nhập khẩu 40.000 bộ phận của hươu cao cổ, đặc biệt là xương, da, và thịt, trong khoảng thời gian từ 2006-2015, tương đương với khoảng 3.750 cá thể.
Ông Muruthi cũng khẳng định, việc bảo tồn và quản lý hươu cao cổ tương đối ít được quan tâm hơn các loài khác. Trong một phát biểu tại hội nghị, ông kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo tồn loài động vật này, nhất là học hỏi từ những kinh nghiệm đằng sau sự gia tăng dân số của hươu cao cổ Angolan và Nam Phi.
Trong tuần sau, các quốc gia đã ký kết Công ước CITES sẽ tiếp tục bàn thảo để có hành động, giải pháp cụ thể bảo vệ hươu cao cổ.
Tuy nhiên, không ít quốc gia, phần lớn ở châu Phi, lại không tán đồng với quyết định đưa hươu cao cổ vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Maurus Msuha, Trưởng bộ phận thiên nhiên hoang dã thuộc Bộ Tài nguyên và Du lịch Tanzania, cho rằng đất nước của ông không có lý do gì ủng hộ quyết định này.
"Hơn 50% số lượng hươu cao cổ của chúng tôi hiện nằm trong hệ sinh thái Serengeti vốn được chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt", ông Msuha nói.
7 quốc gia khác ở châu Phi thì phản đối mạnh mẽ, cho rằng chính nhờ việc săn bắn hươu cao cổ trong giới hạn và bán các bộ phận của chúng đã mang lại nguồn quỹ để bảo tồn.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia từ nhiều nước đều cho rằng việc đưa hươu cao cổ vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng sẽ giúp công tác bảo vệ loài động vật này trở nên hiệu quả hơn, đồng thời giúp các nhà môi trường học có thể cập nhật thường xuyên số lượng hươu cao cổ.
Hiện Mỹ và châu Âu là những ‘người tiêu dùng’ chính các sản phẩm hươu cao cổ, nhập khẩu 98% các bộ phận từ Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Vũ Phong