Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn tại khu vực Cồn Vành, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải). Ảnh: Báo Nhân dân |
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương ven biển và ngành Thủy sản kiểm đếm, thông tin, kêu gọi, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Quân khu 1, 2, 3, 4; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 1, 2: Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc quyền chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, kiểm tra, rà soát các hồ đập đã đầy nước có thể xảy ra sự cố; khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, ngập úng; khu vực vùng sâu, vùng hẻo lánh, cách trở; các hầm lò khai thác khoáng sản; hỗ trợ chính quyền địa phương cương quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó khi có tình huống.
Các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, II; các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đơn vị thuộc quyền sẵn sàng ứng phó.
Công an huyện Quỳnh Phụ giúp di dời tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Thái Bình |
Bộ Công an: Sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3
Ngày 18/8, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an phát công điện yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Tổng cục VIII, K20, C66, C67… thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về công tác ứng phó với bão, mưa, lũ, sạt lở đất.
Theo đó, triển khai các phương án bảo đảm ANTT, ATGT; bảo đảm tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ.
Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc, cột thu phát sóng của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra. Tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị chưa thật cần thiết để tập trung ứng phó với bão.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng tại địa bàn triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản và công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sang tham gia ứng phó, chi viện khi có yêu cầu.
Lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh theo dõi chặt diễn biến của bão, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; kiên quyết không để người dân nào còn ở lại trên các phương tiện, chòi canh, lồng, bè, nơi nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
Thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển của chủ tịch ủy ban tỉnh, thành phố vùng ảnh hưởng của bão.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo hàng ngày trước, trong và sau bão theo quy định.
EVN: Ngày 19/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành điện thượng khẩn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương về ứng phó bão số 3.
Theo đó, triển khai phương án phòng chống bão, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.
Các Tổng công ty Điện lực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, bảo đảm cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Các công ty thuỷ điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng, sông Cả bao gồm hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Bản Vẽ.
Các công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không ảnh hưởng đến môi trường.
Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa bão, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h.Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh BĐBP cập nhật thông tin về bão số 3 để chỉ đạo kịp thời các đơn vị triển khai ứng phó. Ảnh: Báo Biên phòng |
Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và BĐKH thực hiện nghiêm túc việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo thời tiết, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốcvà hệ thống sông Hồng - Thái Bình.
Tổng cục Biển và Hải đảo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để xử lý kịp thời những sự cố do bão gây ra trên biển.
Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có bão, mưa, lũ xảy ra; có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm, đặc biệt sau mưa lũ.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai (ngày 19/8), tính đến 21h ngày 18/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với ngành thủy sản, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.539 phương tiện, lồng bè, lều chòi/128.545 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Đến 18h30 phút ngày 18/8, các phương tiện và ngư dân đã vào bờ tránh bão an toàn, không còn phương tiện của ngư dân đang hoạt động trên biển từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc. Có 34.236 phương tiện đã neo đậu tại bến. Toàn bộ 5.142 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 6.282 người ở khu vực các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã di dời vào bờ. Tính đến 17h, ngày 18/8, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán 37.643 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.024 người; Hải Phòng: 1.182 người; Nam Định: 7.069 người; Thái Bình: 24.795 người; Ninh Bình: 1.573 người). Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh biên phòng, toàn bộ tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm từ bắc vĩ tuyến 17 trở lên đã di chuyển về nơi tránh trú, toàn bộ 5.142 lồng bè nuôi trồng thủy sản, 6.282 người trên các lồng bè, chòi canh tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã được di dời vào bờ để bảo đảm an toàn.
Các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình tiếp tục di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ mất an toàn như phía ngoài đê Bình Minh II (Ninh Bình), ven đê biển (Thái Bình), trong các nhà yếu, vùng ven biển cách mép nước phạm vi 300 - 500 m (Thanh Hóa). |
Thanh Xuân