Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin về công tác quản lý tài nguyên nước 7 tháng đầu năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, trọng tâm là trình ban hành 2 Nghị định và 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước năm 2023.
Về công tác điều tra cơ bản, các đơn vị đã tận dụng các nguồn lực ưu tiên thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước để có số liệu phục vụ xây dựng Quy hoạch, kế hoạch, báo cáo tài nguyên nước quốc gia như: danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, công bố được tổng tài nguyên trên toàn quốc, lưu vực sông, từng tỉnh, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên toàn quốc, quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, giám sát khai thác sử dụng trực tuyến khoảng 850 công trình khai thác sử dụng nước, tìm kiếm nước cho vùng núi cao, khan hiếm nước, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, đánh giá sụt lún mặt đất TP Hà Nội, TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long…
Về công tác quy hoạch tài nguyên nước, đến nay, ở cấp Trung ương đã có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 8/13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Sê san, Srepok, Cửu Long,Đồng Nai, Hương, Mã. Hiện nay, các đơn vị đang xây dựng và hoàn thiện 5 quy hoạch lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Côn - Hà Thanh.
Bên cạnh việc hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước cũng đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; kiểm kê tài nguyên nước; lập hành lang bảo vệ nguồn nước; ao hồ không san lấp; hạn chế khai thác nước dưới đất; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vận hành điều tiết các hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo cấp nước hạ du…
Về nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024, theo ông Châu Trần Vĩnh, các đơn vị tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, tuyên truyền phổ biến, cở sơ dữ liệu tài nguyên nước, công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hoà, phân phối tài nguyên nước.
Trong đó, các đơn vị tập trung xây dựng, trình ban hành 1 Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; 5 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trình ban hành 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Cả, Ba, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh để hoàn thiện hệ thống quy hoạch và đôn đốc việc thực hiện quy hoạch.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước để đầu năm 2025 trình Bộ công bố 8/13 lưu vực sông đã có quy hoạch (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng- Thái Bình, Mã, Hương, Sê San, Srepok, Đồng Nai, Cửu Long) để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước; xây dựng Đề án, lấy ý kiến và Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 4 tổ chức lưu vực sông (Hồng- Thái Bình, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ) và kiện toàn Ủy ban sông Me Kong Việt Nam.
Tổ chức triển khai 3 Đề án, Dự án quan trọng: Đề án "Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Me Kong"; Đề án "Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê" và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Cục Quản lý tài nguyên nước đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, bao gồm thu gom, xử lý nước thải. Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2025.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ có hai phương án. Nếu được thông qua và có đủ nguồn lực thì trong vòng khoảng 5-7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông.
Cụ thể, phương án thứ nhất là thí điểm ngay vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm, sau đó triển khai mở rộng ra sông Nhuệ, Đáy và các sông nội đô Hà Nội. Phương án thứ hai là triển khai chương trình tổng thể trên toàn quốc đó là rà soát, thống kê, lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, một giải pháp khác để phục hồi các dòng sông "chết" là việc quản lý các dòng sông phải theo lưu vực, thay vì quản lý theo địa bàn hành chính.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông (sông Hồng - Thái Bình, sông sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ và sông Mekong để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh và các bộ, ngành).
Mỗi ủy ban sẽ phụ trách một số lưu vực sông chính, trong đó sông nhánh như sông Nhuệ - sông Đáy sẽ là tiểu ban nằm trong ủy ban lưu vực sông.
Thời gian tới, Cục cũng tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giám sát việc vận hành các hồ theo 11 quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông; duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dung nước đối với khoảng 850 công trình đã được Bộ cấp phép; chủ trì và phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với các công trình khai thác sử dụng nước.
Cục cũng tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Me Kong trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Me Kong và chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước; thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung về các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Me Kong.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp chuẩn bị nội dung cho các Phiên họp Ủy ban Liên hợp, Phiên họp của Hội đồng Ủy hội sông Me Kong quốc tế lần thứ 31 (tháng 11/2024 tại Lào); tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Me Kong -Lan Thương giai đoạn 2023 – 2027.
Thu Cúc