Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Đó là ý kiến chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm giai đoạn 1998-2008 được tổ chức sáng 16/9, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những kết quả tích cực của công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998-2008, đồng thời, cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là: nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể về vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở một số địa phương, chưa thật đầy đủ; chưa xác định rõ đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành và của mỗi người dân; có nơi còn khoán trắng cho các lực lượng chức năng; công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm còn hạn chế...
Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống tội phạm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm; huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn dân; thực hiện có hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành; lực lượng công an nhân dân tham mưu, hướng dẫn, nòng cốt, xung kích; các ban ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị và toàn dân tham gia thực hiện; tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm". Thủ tướng nhấn mạnh, ở đâu không làm tốt công tác này, để tội phạm gia tăng gây bức xúc trong nhân dân thì Bí thư, Chủ tịch UBND và Thủ trưởng Công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, cảm hóa tội phạm; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm để nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm. Các cơ quan chức năng cần xây dựng chế độ, chính sách thích hợp đối với những người có thành tích xuất sắc nhằm động viên, khuyến kích mọi người dân tham gia phòng, chống tội phạm, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải không ngừng xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn vững vàng; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thủ tướng nhấn mạnh: "Tội phạm hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, khai thác thành tựu của khoa học-công nghệ để phạm tội, nếu chúng ta không chủ động nâng cao trình độ, không áp dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học-công nghệ thì kết quả đấu tranh sẽ rất hạn chế".
Xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm phù hợp và có hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho biết, hiện nay cả nước có 708 mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động trong phong trào phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự. Các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại cơ sở có thể khái quát theo 3 loại mô hình cơ bản là: Tổ chức có chức năng tư vấn, chỉ đạo như: Hội đồng an ninh trật tự ở các xã, phường, thị trấn...; Mô hình có chức năng vừa quản lý, vừa thực hành như: tổ dân cư tự quản, tổ công nhân tự quản, ban bảo vệ dân phố... và loại mô hình thứ 3 là các tổ chức thực hành có tính chất phong trào, tự quản như: tổ an ninh nhân dân, đội dân phòng, tổ an ninh cơ động, tổ hòa giải...
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm khẳng định, thông qua hoạt động của các mô hình điển hình, tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, việc tuyên truyền các chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương dũng cảm, mưu trí truy bắt tội phạm; tâm lý người ngay sợ kẻ gian đã từng bước được đẩy lùi. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến đã trực tiếp quản lý, giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi, người phạm tội ở gia đình, cộng đồng dân cư, qua đó từng bước làm giảm tỉ lệ tái phạm.
Trên cơ sở đã được tổng kết 3 loại mô hình nêu trên, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đề nghị các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình, tiếp tục tập trung tổ chức nghiên cứu, lựa chọn, xây dựng các mô hình, điển hình mới phù hợp với đặc điểm địa bàn, phong tục, tập quán của địa phương nhằm đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đạt hiệu quả cao nhất, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội chung của đất nước.
Nguyễn Hoàng