Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, các nhà tài trợ cũng không được gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục.
Đó là nội dung trong Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo đó, việc tài trợ cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục.
Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Báo cáo quyết toán, niêm yết công khai để xã hội giám sát
Các cơ sở giáo dục được tiếp nhận các khoản tài trợ bằng tiền mặt (bao gồm đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, đá quý, kim loại quý như vàng, kim cương) hoặc thông qua tài khoản của mình tại Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại.
Tài trợ cho giáo dục là nguồn tài trợ tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục. |
Giá trị khoản tài trợ và hiện vật được tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định.
Cơ sở giáo dục lập Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ.
Cơ sở giáo dục phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá.
Các quy định này sẽ chính thức được thực hiện từ ngày 25/10/2012.
Thu Nga