Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT - Ảnh: VGP |
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến phát biểu về tình hình chung của Bộ GTVT, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và đưa ra định hướng về các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho ngành GTVT phát triển.
Phát huy tinh thần tự lực tự cường để phát triển
Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ gợi mở, định hướng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết công việc của Bộ GTVT. Thủ tướng nêu rõ, khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, cần quán triệt nguyên tắc “3 không”: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm (vì có khó khăn thì mới nhờ đến Bộ).
Chức năng, nhiệm vụ và công việc của ngành là rất nặng nề, khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, lãnh đạo cần quán triệt tinh thần “nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào thì dứt điểm việc đó”.
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác công-tư. Bộ sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp xử lý đối với từng việc, từng lĩnh vực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo báo cáo của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày, Bộ GTVT đã triển khai lập 5 quy hoạch ngành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ; đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch trong quý II năm 2021.
Bộ sẽ tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 theo quy hoạch và tổng mức vốn ngân sách trung ương cấp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ thông báo.
Trong năm 2021, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (11 dự án với 654 km), cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên... Hoàn thành việc đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án mới trong kỳ trung hạn 2021-2025, nhất là các dự án động lực, lan tỏa.
Bộ sẽ tiếp tục xử lý vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phải làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT. - Ảnh: VGP |
Những định hướng quan trọng
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Bộ GTVT về những thành tích đã đạt được, về những nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, thách thức để vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, nhất là về phát triển hạ tầng, quản lý giao thông…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ GTVT, báo cáo đã cơ bản phản ánh bức tranh chung của Bộ, khắc họa được các vấn đề mà lãnh đạo Bộ trăn trở, nêu được các khó khăn, thách thức và một số kiến nghị.
Đề nghị Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến góp ý của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đồng chí lãnh đạo VPCP, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung: Trước hết, Bộ GTVT phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng Đảng bộ Bộ GTVT trong sạch vững mạnh toàn diện. Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Là cơ quan quản lý cơ sở vật chất, nguồn vốn lớn, Bộ GTVT phải đi đầu về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, từ lãnh đạo bộ đến cán bộ, công chức, viên chức một cách đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
Muốn vậy, phải nắm vững 5 nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng, 5 phương thức lãnh đạo của Đảng và vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Bộ, nhất là phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Nhấn mạnh việc phát huy các bài học kinh nghiệm tốt, Thủ tướng cho rằng, phải tổng kết thực tiễn, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong ngành GTVT cũng như cả nước. “Bám sát thực tiễn để điều chỉnh, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”.
Thủ tướng yêu cầu Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ phải quan tâm hơn nữa tới công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đi đôi với đó là xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm. Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT đẩy mạnh áp dụng hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Về công tác quản lý Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phải có chiến lược và chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và phải hết sức chú trọng công tác quy hoạch. Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ đang xây dựng phải kết nối chặt chẽ với nhau, thành mạng lưới giao thông tổng thể quốc gia. Từ quy hoạch, phải xác định được các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt, có dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt”.
Bộ GTVT cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án trên địa bàn của mình và một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tăng cường kiểm tra, giám sát để phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phải làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Ưu tiên lĩnh vực nào thì phải có cơ chế, chính sách cho lĩnh vực đó để thu hút các nhà đầu tư. Nếu nói ưu tiên mà không có cơ chế chính sách thì sẽ không làm được.
Về vấn đề huy động nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, mà Bộ còn gặp nhiều khó khăn, do đó, phải phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư và một số hình thức đầu tư khác, tham khảo các mô hình hiệu quả từ các nước tiên tiến, nhất là từ các địa phương trong nước đã làm có hiệu quả.
Nhấn mạnh việc phát huy mọi nguồn lực hợp pháp, hiệu quả để phát triển, Thủ tướng cho rằng, Bộ GTVT phải chủ động bám sát thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đề xuất các cơ chế, chính sách cho vấn đề này.
Công việc càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm thì càng phải giữ nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe và quyết định theo đa số. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì cứ thế mà làm. Cái gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn và không nóng vội.
Tại buổi họp, Thủ tướng đã xem xét, cho ý kiến đối với các kiến nghị của Bộ GTVT và giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng, giải quyết có lộ trình, phù hợp, hiệu quả.
Nguyễn Đức