Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 40,8% vào cuối năm 2012. |
Sức ép lớn lên tài nguyên rừng
Trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp đạt 5,7% (tăng 1,5% so với kế hoạch giao), song theo ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, do nhu cầu sản phẩm từ rừng ngày càng lớn, việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác ngày càng tăng khiến đời sống của phần lớn người dân sống trong rừng, sống gần rừng gặp nhiều khó khăn, tạo sức ép lớn lên tài nguyên rừng.
Vì vậy, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như một bước tiếp nối dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về tiếp tục tăng độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng hướng tới quản lý rừng bền vững, thực hiện thành công sáng kiến REDD tại Việt Nam. Và để thực hiện thành công kế hoạch trên thì việc tăng cường hợp tác quốc tế về lâm nghiệp giữ vai trò quan trọng.
Tranh thủ vốn ODA cho rừng
Trong năm 2011, ngành Lâm nghiệp đã mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các đối tác song phương, đa phương, đa dạng hoá các mối quan hệ, tham gia tích cực vào các tổ chức, sáng kiến mới về lâm nghiệp của quốc tế và vùng như REDD, FLEGHT, rừng và tăng trưởng xanh… Đề án thu hút và vận động ODA giai đoạn 2011-2015 đã được xây dựng, làm cơ sở để đàm phán với các nhà tài trợ, xây dựng các dự án, chương trình ODA mới cho ngành.
Quỹ TFF và Quỹ VCF đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, bổ sung nguồn lực cho ngành Lâm nghiệp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vốn sau khi Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng kết thúc. Qua đó đã huy động và tranh thủ được nhiều nguồn vốn ODA mới cho ngành lâm nghiệp.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai công việc và giải ngân các dự án ODA lâm nghiệp chậm hơn so với kế hoạch. Trong tổng số kế hoạch vốn đầu tư ODA của 7 dự án trọng điểm của năm 2011 là 602,4 tỷ đồng, mới giải ngân được 496,3 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch.
Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế về giao thương gỗ và lâm sản, năm 2011, ngành lâm nghiệp đã đẩy nhanh thực hiện kế hoạch hành động của Việt Nam thích ứng với Luật Lacey của Hoa Kỳ và Flegt của EU, trong đó, đạt được nhiều thành quả khi đàm phán hiệp định VPA với EU.
Bên cạnh đó, hợp tác song phương về lâm nghiệp với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc và Hàn Quốc đã được đẩy mạnh.
Tại Hội nghị thường niên FSSP 2012, các đối tác đã cùng nhau thảo luận về nguồn lực triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012 và giai đoạn 2011-2020, cùng nhau xây dựng các kế hoạch hỗ trợ để ngành lâm nghiệp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đỗ Hương