Tại đoạn bờ kè hiện hữu 615 mét thuộc ấp Bào, sóng biển đã gây sạt lở sâu vào đất liền hơn 10 mét, kéo dài hơn 300 mét và 190 mét khu vực dân cư Rạch Cạn làm gần 500 cây phi lao đổ ngã xuống biển. Tại đầu bờ kè hiện hữu hướng về phía tây, thuộc ấp Chợ, sóng biển cũng đã phá vỡ bờ biển lấn vào đất liền 10 mét, dài 400, làm bật gốc hơn 200 cây phi lao xuống biển. Đoạn kè biển vừa xây xong cũng đang có nguy cơ bị hư hại nếu không được gia cố.
Nhiều người dân định cư tại đây cho biết: Liên tiếp trong những ngày vừa qua, triều cường gây sạt lở bờ biển dữ dội, người dân lo lắng, thậm chí không dám ngủ, mọi thứ đồ đạc trong gia đình phải sắp xếp lại, trong tư thế sẳn sàng “sơ tán”, đề phòng trường hợp đê bị phá vỡ thì sẽ bỏ nhà chạy vào xóm trong. Tình trạng sạt lở tương tự cũng diễn ra trong những năm trước, khi chưa xây dựng kè biển, người dân phải bỏ nhà vào khu vực trong đê quốc phòng che chòi ở để tránh nước biển tràn vào đến 5,6 tháng, đến khi bờ kè hoàn thành vững chắc mới dám về. Thế nhưng, đê biển hiện tại cũng chỉ mới được một đoạn, phần chưa có đê tiếp tục sạt lở nghiêm trọng hơn. Gần 60 hộ dân hiện đang sinh sống tại khu vực này luôn trong tình trạng lo lắng về nơi ăn, chốn ở và đối diện với chuyện mất trắng diện tích lúa và hoa màu đang gần vào vụ thu hoạch vì nguy cơ nước biển sẽ ngập sâu nếu không có biện pháp ngăn được triều cường.
Trước thực trạng này, lãnh đạo huyện Duyên Hải đã báo cáo tình hình sạt lở đê biển xã Hiệp Thạnh với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, hiện tại các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào, trong khi giai đoạn II của dự án xây dựng bờ kè xã Hiệp Thạnh hiện vẫn chưa triển khai. Các hộ dân trong vùng nguy hiểm đã được bố trí tái định cư nơi ở mới nhưng vẫn còn nhiều hộ dân vẫn chưa thể di dời do nơi tái định cư thiếu đất sản xuất.
Lê Hiền