Huyện Xuân Lộc: 20 năm xây dựng và phát triển
Ngày 1-7-1991, huyện Xuân Lộc chính thức đi vào hoạt động với tư cách là đơn vị hành chính mới theo Quyết định số 107 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (nay là Chính phủ) trên cơ sở được tách ra từ huyện Xuân Lộc cũ để thành lập hai huyện Long Khánh và Xuân Lộc. 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân huyện Xuân Lộc đã đoàn kết một lòng, không ngừng phát huy nội lực, trí tuệ, bản lĩnh cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, chung tay góp sức xây dựng quê hương Xuân Lộc ngày càng vững mạnh.
Đường phố Xuân Lộc được trang hoàng để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện. Nhiều khó khăn khi mới thành lập
Vào thời điểm mới thành lập năm 1991, Xuân Lộc là một huyện nghèo của tỉnh, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương với trên 70% tổng sản phẩm xã hội, thu hút 81% lao động. Trình độ sản xuất nông nghiệp thấp, chưa hình thành được các vùng nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu; thương mại - dịch vụ kém phát triển. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, giao thông nông thôn hầu hết là đường tạm. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 1,5 triệu đồng/năm. Hộ đói nghèo theo chuẩn mực cũ là 10.568 hộ - chiếm 20,8% dân số toàn huyện. Dân số tăng nhanh, ngành giáo dục và đào tạo thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn hạn chế và xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng học ca 3 diễn ra phổ biến…
Đến cuối năm 2010 toàn huyện đã có 219 trang trại chăn nuôi. Đứng trước hoàn cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, song nhờ đoàn kết nội bộ, đồng thuận trong xã hội, kế thừa những thành quả của các thời kỳ trước, 20 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã nỗ lực không ngừng khơi dậy và phát huy ý chí tiến công cách mạng, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Sau 20 năm kể từ ngày thành lập, bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội huyện Xuân Lộc đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc nội GDP bình quân 11,96%/năm; GDP bình quân đầu người cuối năm 2010 đạt là trên 19 triệu đồng, gấp 8,6 lần so với năm 1991; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp; Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 3.534 triệu đồng năm 1991 lên 220.896 triệu đồng năm 2010.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, vì thế huyện đã tập trung phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, gắn kết với việc xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. 20 năm qua, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân trên 7,29%/năm; Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng chăn nuôi so với giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 12,6% năm 1991 lên 32% năm 2010.
Mô hình thử nghiệm cây trồng cạn tại xã Xuân Hưng. Chủ trương của huyện về thí điểm xây dựng mô hình câu lạc bộ năng suất cao (CLBNSC) là một trong những điển hình góp phần vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Được hình thành từ vụ Đông Xuân năm 2002 - 2003, đến năm 2005 phát triển được 87 CLBNSC với 3.525 hộ sản xuất tham gia, diện tích đăng ký 3.826,8 ha; đến nay huyện đã xây dựng được 268 CLB năng suất cao với tổng số hội viên tham gia là 9.471 hội viên; Đặc biệt, từ năm 2009 khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X; Kế hoạch số 97-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 60-KH/HU của Huyện ủy về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, mô hình này đã phát triển thêm một bước tiến mới, đó là việc thí điểm và hình thành 15 Liên hiệp CLBNSC với 712 hội viên, tổng diện tích 2.554 ha; Giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp tăng từ 16,5 triệu đồng năm 2001 lên 30 triệu đồng năm 2005 và trên 100 triệu đồng năm 2010. Hiện nay toàn huyện có 3.915ha đất cây hàng năm có giá trị thu nhập sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt từ 100 - 120 triệu đồng; 3.362 ha đất trồng cây lâu năm đạt trên 140 triệu đồng; Đặc biệt phát triển nhanh mô hình chăn nuôi hình thức trang trại, từ năm 2005 có 67 trang trại chăn nuôi (31 trang trại chăn nuôi heo, 13 trang trại chăn nuôi bò, 23 trang trại chăn nuôi gà), đến cuối năm 2010 có 219 trang trại chăn nuôi với quy mô đầu tư hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 461,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.495 lao động, đã nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp từ 15,2% năm 1991 lên 43,3% năm 2010.
Lãnh đạo huyện và nhân dân viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện. Bên cạnh đó, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng có bước phát triển mới theo hướng gắn với sản xuất nông nghiệp; Kết cấu hạ tầng kỷ thuật không ngừng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 1991 chưa có xã nào có điện thì đến nay 15/15 xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ sử dụng điện đến cuối năm 2010 trên 99%; hệ thống giao thông đã khép kín toàn huyện, các tuyến đường do huyện và xã, thị trấn quản lý từng bước được nhựa hóa, đạt tỷ lệ 45,71% đường huyện, 56,46% đường xã, thị trấn; đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của các doanh nghiệp, nhân dân…
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong 5 năm tới (giai đoạn 2011 – 2015), huyện Xuân Lộc đề ra mục tiêu đạt giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng bình quân 13 - 14%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 44,32 triệu đồng vào năm 2015; Cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 với tỷ trọng: Công nghiệp và Xây dựng chiếm 43,5%, nông lâm nghiệp chiếm 27,3%, thương mại dịch vụ chiếm 29,2%; Tốc độ tăng thu ngân sách địa phương đạt từ 6 - 7%/năm.
Thanh Cảnh